Mỹ nhận xét tích cực về kết quả điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam
Dù Việt Nam nằm trong danh sách giám sát thao túng tiền tệ nhưng Mỹ khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ, đồng thời đưa ra những nhận xét tích cực về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và tỉ giá của Việt Nam.
Việt Nam không thao túng tiền tệ
Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố Báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ. Theo đó, Mỹ đưa 6 nền kinh tế gồm Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ. Theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại năm 1988 và Đạo luật Thuận lợi hóa và thực thi thương mại năm 2015, định kỳ bán niên, Bộ Tài chính Mỹ công bố Báo cáo về chính sách kinh tế và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ. Báo cáo sẽ xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính dựa trên ba tiêu chí. Đó là thặng dư thương mại song phương với Mỹ; thặng dư cán cân vãng lai; can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Các ngưỡng tiêu chí cụ thể sẽ được rà soát định kỳ, tùy thuộc vào chính sách kinh tế, đối ngoại của Mỹ từng thời kỳ. Nếu một đối tác thương mại nào đó có các chỉ số vượt ngưỡng theo các tiêu chí trên, Mỹ sẽ tiến hành phân tích sâu để xem xét quốc gia này có thao túng tiền tệ hay không. Nếu một nền kinh tế phạm hai trong ba tiêu chí trên, Mỹ sẽ đưa họ vào “danh sách giám sát”. Một khi nằm trong danh sách này, quốc gia đó cũng sẽ tiếp tục trong danh sách này ít nhất hai kỳ báo cáo tiếp theo, để xác định sự cải thiện mang tính lâu dài. Nếu một quốc gia chạm tất cả các ngưỡng theo quy định, Mỹ sẽ gán mác thao túng tiền tệ. Khi đó, Mỹ sẽ có những biện pháp để can thiệp, có thể là đàm phán để các quốc gia điều chỉnh chính sách, thậm chí đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia đó nếu không đạt được thỏa thuận và các cam kết không có tiến triển.
Liên quan đến Việt Nam, Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Việt Nam vượt ngưỡng hai tiêu chí là thặng dư thương mại song phương hàng hóa và dịch vụ với Mỹ (đạt 105 tỉ USD, vượt ngưỡng 15 tỉ USD) và thặng dư cán cân vãng lai (đạt 19 tỉ USD, tương đương 4,7% GDP, vượt ngưỡng 3% GDP). Vì đáp ứng 2/3 tiêu chí đánh giá, Việt Nam bị đưa vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Ngoài nội dung trên, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong thời gian qua, tại các cuộc làm việc song phương với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính Mỹ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ và tỉ giá của Việt Nam. Lý do là bởi Việt Nam thể hiện sự nghiêm túc trong việc giải quyết các quan ngại của phía Mỹ và duy trì được sự ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.
Không sử dụng chính sách tỉ giá nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại
Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiều lần khẳng định điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá của Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu xuyên suốt là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã và đang nỗ lực từng bước hiện đại hóa và minh bạch khuôn khổ chính sách tiền tệ và điều hành tỉ giá. Theo đó, việc điều hành tỉ giá được tiến hành một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường ngoại tệ và các yếu tố kinh tế. Việt Nam không sử dụng chính sách tỉ giá nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng; đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc Việt Nam vượt ngưỡng hai tiêu chí theo đánh giá của Mỹ, cần phải hiểu một cách tường tận. Trước hết, việc Việt Nam xuất siêu sang Mỹ có nhiều lý do nhưng chủ yếu là do cấu trúc của cán cân thương mại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, những mặt hàng chủ yếu các doanh nghiệp Việt Nam xuất sang Mỹ là dệt may, giày da, thủy sản, linh kiện máy móc, điện thoại… Phần lớn nguyên liệu sản xuất đều là nhập khẩu, trong đó có nhập từ Mỹ. Ví dụ, một đôi giày của hãng Nike xuất sang Mỹ thì từ đế đến dây, da giày đều là nhập khẩu. Việt Nam chỉ đóng góp nhân công hoàn thiện sản phẩm nhưng khi xuất khẩu, toàn bộ trị giá của sản phẩm tính cho Việt Nam. Tóm lại, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ, không liên quan đến thao túng tiền tệ qua tỉ giá. Thêm vào đó, sự tăng trưởng gần đây trong xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ còn được thúc đẩy chủ yếu bởi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Về cán cân vãng lai, gồm cán cân thương mại và các khoản chuyển tiền từ nước ngoài về, cần chú ý đến yếu tố kiều hối. Trong thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam, kiều hối có đóng góp nhiều. Đây là tiền mà người Việt Nam ở nước ngoài chuyển về trợ cấp cho thân nhân trong nước và tiền do người lao động Việt Nam ở nước ngoài chuyển về. Sự gia tăng của kiều hối là yếu tố khách quan, không phải do tỷ giá cao hay thấp theo can thiệp của chính phủ.
Còn về sự can thiệp thị trường ngoại hối và hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, về bản chất, là quá trình chuyển đổi ngoại hối. Hiện nay pháp luật ngoại hối Việt Nam không cho phép dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Nhà đầu tư chuyển ngoại tệ vào Việt Nam kinh doanh thì phải chuyển đổi ra tiền đồng. Các nhà xuất khẩu hay nguồn tiền kiều hối chuyển về nước cũng phải đổi qua tiền đồng để sử dụng. Việc Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ suy cho cùng là thực hiện chức năng chuyển hóa các đồng ngoại tệ để giúp người dân trong lãnh thổ Việt Nam có thể dùng tiền đồng, tức việc mua vào này là bắt buộc.
Khi cung cầu ngoại tệ thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước mua vào, khi thị trường biến động, thị trường mất cân đối, Ngân hàng Nhà nước bán ra để ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam không mua ngoại hối để can thiệp nhằm định ra giá trị đồng tiền dưới giá trị thật. Về nguyên tắc, mức ngang giá tiền tệ của tiền đồng Việt Nam so với USD phụ thuộc chủ yếu vào mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam với các đối tác thương mại chính, nhất là với Mỹ. Trên thực tế, trong suốt những năm gần đây, lạm phát bình quân của Việt Nam là 4%, có năm lên 5%. Trong khi đó, tỉ giá vẫn giữ mức tăng 1-1,5%, có năm lên 2%, so với lạm phát thì rõ ràng tỉ giá vẫn tăng thấp hơn. Điều đó cho thấy Việt Nam không phá giá, đặt ra tỉ giá của đồng tiền Việt Nam thấp hơn giá trị mà thậm chí đồng tiền của Việt Nam còn trên giá trị thực.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần thận trọng khi bị đưa vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ vì có thể phải đối mặt với những rủi ro như sự phân biệt đối xử trong việc áp thuế, cũng như định giá hàng hóa khi đưa vào thị trường Mỹ. Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá theo định hướng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng, đồng thời tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, thiện chí. Việt Nam cũng sẽ tăng cường phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để lợi dụng những ưu đãi từ hợp tác Việt Nam - Mỹ và các hiệp định thương mại tự do khác cũng như hành vi trốn thuế...