Tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal (Dao găm) đang được nhắc đến như một vũ khí nhiều khả năng Nga sẽ cung cấp cho Triều Tiên trong chương trình "trao đổi quân sự" nhằm lấy về pháo phản lực phóng loạt KN-09 và KN-25.
Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã khiến cho Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cảm thấy lo ngại khi nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng đến thăm một số cơ sở quân sự và doanh nghiệp quốc phòng Nga.
Bên cạnh việc ngồi trong buồng lái và trải nghiệm những máy bay chiến đấu và ném bom tối tân nhất của Nga, ông Kim Jong-un còn được giới thiệu hệ thống tên lửa hành trình thế hệ mới Kh-BD và tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal.
Ngay sau đó, các chuyên gia quân sự phương Tây đã bắt đầu nói về viễn cảnh một chương trình “trao đổi chuyên sâu về vũ khí công nghệ quân sự” có thể được Nga và Triều Tiên khởi động.
Điều này nếu trở thành hiện thực sẽ gần như sẽ vô hiệu hóa hoàn toàn các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên được phương Tây áp đặt và duy trì trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Mối lo ngại lớn nhất được chỉ ra đó là “khả năng Nga cung cấp tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal cho Triều Tiên”, sẽ đe dọa bất kỳ căn cứ quân sự nào, bao gồm cả những cơ sở của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản, khi thời gian phản ứng là rất ngắn.
Bình luận về tình huống này, nhiều chuyên gia phân tích nhận định Nhật Bản hiện đang tìm mọi cách gây sức ép để ngăn chặn sự hợp tác giữa Moskva và Bình Nhưỡng trong vấn đề quân sự.
Mặc dù về mặt chính thức, không có bất cứ tuyên bố nào về chương trình trao đổi vũ khí như đã được đề cập ở trên, nhưng việc trao đổi quan điểm giữa hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Kim Jong-un vẫn khiến nhiều đối thủ của họ cảm thấy lo lắng.
Đặc biệt, chính quyền Tokyo nhận định không thể có việc Nga và Triều Tiên chỉ trao đổi quan điểm quốc tế một cách xã giao thông qua cuộc nói chuyện kéo dài tới 5 giờ đồng hồ giữa ông Vladimir Putin và Kim Jong-un.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến khác cho rằng Nga không thể cung cấp tên lửa siêu thanh Kinzhal cho Triều Tiên, bởi đây là một vũ khí cực kỳ quan trọng của Moskva, mang nhiều công nghệ mật chưa thể chia sẻ.
Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng không có phương tiện nào để mang tên lửa siêu thanh Kh-47M2, khi hiện nay chỉ có tiêm kích hạng nặng MiG-31K mới đáp ứng yêu cầu về tải trọng, độ cao và tốc độ để tên lửa Kinzhal đạt thông số tác chiến tối ưu.
Việc Nga giới thiệu tên lửa Kh-BD cũng như Kh-47M2 Kinzhal cho Chủ tịch Triều Tiên có lẽ chỉ mang ý nghĩa như một động thái trình diễn thành tựu kỹ thuật quân sự đơn thuần mà thôi.
Nếu hai nước thực hiện một chương trình trao đổi vũ khí, đó phải là những loại thông thường, có thể dễ dàng chuyển giao cho nhau mà không lo ngại lộ bí mật công nghệ hay khiến cộng đồng quốc tế phản ứng.
Khả năng cao nhất chính là Nga sẽ nhượng lại cho Triều Tiên 24 tiêm kích Su-35SE dư thừa mà Ai Cập và Iran đã từ chối nhận để lấy về những tổ hợp pháo phản lực dẫn đường tầm xa KN-09 và KN-25.