Mỹ: Nhiều nền tảng sáng tác nhạc sử dụng trí tuệ nhân tạo bị kiện bản quyền
AI đã trở thành một chủ đề nóng trong ngành công nghiệp âm nhạc với các cuộc tranh luận xoay quanh các nội dung từ khả năng sáng tạo của công nghệ mới này đến những lo ngại về tính hợp pháp của nó.
Các hãng thu âm lớn đang kiện các nền tảng sáng tác nhạc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) Suno và Udio vì vi phạm bản quyền, cáo buộc các công ty khởi nghiệp (startup) âm nhạc AI này đang khai thác các tác phẩm thu âm của các nghệ sỹ, từ nghệ sỹ guitar Chuck Berry đến ca sỹ Mariah Carey.
Hiệp hội Ngành Thu âm Mỹ (RIAA) ngày 24/6 đã công bố các vụ kiện do các hãng thu âm Sony Music Entertainment, Universal Music Group và Warner Records đệ trình.
Trong số đó, một vụ kiện được đệ trình lên tòa án liên bang ở Boston chống lại Suno AI và vụ còn lại ở New York nhằm vào Uncharted Labs, nhà phát triển của Udio AI.
Giám đốc điều hành (CEO) của Suno AI, ông Mikey Shulman, cho biết công nghệ này "được thiết kế để tạo ra các sản phẩm hoàn toàn mới, không phải để ghi nhớ và lặp lại nội dung đã có sẵn" và không cho phép người dùng tham khảo các nghệ sỹ cụ thể.
Ông Shulman cho hay startup của ông, có trụ sở tại thành phố Cambridge thuộc tiểu bang Massachusetts, đã cố gắng giải thích điều này với các hãng thu âm nhưng “thay vì thảo luận một cách có thiện chí," họ đã sử dụng cách cũ là khởi kiện. Udio hiện chưa có bình luận gì về thông tin này.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của RIAA, ông Mitch Glazier, cho biết ngành công nghiệp âm nhạc đang hợp tác với các nhà phát triển AI có trách nhiệm nhưng các dịch vụ không được cấp phép như Suno và Udio cho rằng việc sao chép tác phẩm để đời của một nghệ sỹ và khai thác nó vì lợi nhuận riêng mà không có sự đồng ý hoặc trả tiền là “công bằng."
AI đã trở thành một chủ đề nóng trong ngành công nghiệp âm nhạc với các cuộc tranh luận xoay quanh các nội dung từ khả năng sáng tạo của công nghệ mới này đến những lo ngại về tính hợp pháp của nó.
Tháng Ba vừa qua, Tennessee trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ thông qua luật bảo vệ các nhạc sỹ, người biểu diễn và các vị trí nghề nghiệp khác trong ngành âm nhạc trước những nguy cơ tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo.
Những người ủng hộ cho rằng mục tiêu của luật này là nhằm đảm bảo rằng các công cụ AI không thể sao chép giọng nói của nghệ sỹ mà không có sự đồng ý của họ.
Vào tháng Tư, hơn 200 nghệ sỹ đã ký vào lá thư ngỏ của tổ chức phi lợi nhuận Liên minh Quyền Nghệ sỹ (Artist Rights Alliance), trong đó kêu gọi các công ty nhà phát triển, các nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, cũng như các dịch vụ và nền tảng nhạc kỹ thuật số ngừng sử dụng AI để xâm phạm và hạ giá trị quyền của các nghệ sỹ./.