Mỹ: Nhiều thành phố cam kết cải tổ cảnh sát sau vụ George Floyd
Lãnh đạo Sở Cảnh sát thành phố New York cho biết 600 cảnh sát chống tội phạm mặc thường phục sẽ được điều chuyển bổ sung cho các đơn vị khác như đơn vị trinh thám, thanh tra hoặc cảnh sát khu vực.
Ngày 15/6, Sở Cảnh sát thành phố New York (NYPD), lực lượng cảnh sát đông đảo nhất tại Mỹ, thông báo giải tán đơn vị cảnh sát chống tội phạm mặc thường phục.
Lãnh đạo NYPD Dermot Shea cho biết đơn vị gồm 600 cảnh sát mặc thường phục sẽ được điều chuyển bổ sung cho các đơn vị khác như đơn vị trinh thám, thanh tra hoặc cảnh sát khu vực.
Phát biểu trước báo giới, ông Shea cho rằng đây là một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong công tác bảo vệ thành phố của NYPD, theo đó lực lượng cảnh sát sẽ thực hiện nhiệm vụ bằng sự mưu trí thay vì bằng vũ lực.
Theo báo New York Times, đơn vị này vốn có nhiệm vụ ngăn chặn các tội phạm bạo lực và từng tham gia vào một số vụ cảnh sát nổ súng gây nhiều tranh cãi tại thành phố này.
Thông báo trên được đưa ra giữa lúc NYPD đối mặt với nhiều chỉ trích vì sử dụng các biện pháp trấn áp "mạnh tay" với những người biểu tình ôn hòa phản đối nạn phân biệt chủng tộc sau cái chết của công dân da màu George Floyd tử vong do bị cảnh sát thành phố Minneapolis trấn áp "quá đà" vào tháng trước.
Một số nhân viên cảnh sát của NYPD đã bị phạt và ít nhất 1 người cũng bị buộc tội tấn công người biểu tình. NYPD có khoảng 36.000 nhân viên cảnh sát, nhiều hơn bất kỳ lực lượng cảnh sát địa phương nào khác tại Mỹ.
Sau cái chết của công dân da màu Floyd, các cộng đồng dân cư, các bang và Quốc hội Mỹ đều đang cân nhắc những sáng kiến giúp hạn chế tình trạng bạo lực trong lực lượng cảnh sát.
Cũng trong ngày 15/6, Thị trưởng thành phố Atlanta Keisha Lance Bottoms đã yêu cầu lập tức cải tổ lực lượng cảnh sát sau vụ một cảnh sát da trắng bắn một người đàn ông da màu hôm 12/6 vừa qua, khiến làn sóng biểu tình càng dâng cao tại thành phố này.
Phát biểu với báo giới, Thị trưởng Atlanta lấy làm tiếc trước vụ việc, đồng thời cho rằng cảnh sát nên thực hiện vai trò bảo vệ người dân.
Bà đã nêu khái quát một số biện pháp cải tổ để đặt ra tiêu chuẩn cho các quy trình hoạt động của lực lượng này, bao gồm việc điều chỉnh các chính sách và đưa ra khái niệm "nghĩa vụ can thiệp" khi một cảnh sát phát hiện đồng nghiệp có hành động không đúng.
Bà cũng cho rằng sẽ còn rất nhiều việc phải làm ngay trong thời gian tới để cải tổ lực lượng cảnh sát.
Bên cạnh đó, cùng ngày, Thị trưởng thành phố Chicago Lori Lightfoot tuyên bố thành lập một nhóm chuyên trách đánh giá việc các nhân viên cảnh sát thành phố sử dụng vũ lực trong khi làm nhiệm vụ.
Tại bang California, các Sở Cảnh sát San Jose, San Francisco và Los Angeles đã cam kết cải cách các chính sách sử dụng vũ lực và loại khỏi lực lượng những nhân viên có tư tưởng phân biệt chủng tộc.
Trong ngày 16/6, Tổng thống Donald Trump dự kiến ký thông qua sắc lệnh khuyến khích "những hành động tốt đẹp nhất" trong lực lượng cảnh sát.
Tuy nhiên, biện pháp này được cho là chưa đủ để cải tổ lực lượng cảnh sát một cách cơ bản như những lời kêu gọi của những người biểu tình./.