Mỹ nỗ lực đưa Thụy Điển vào NATO càng sớm càng tốt
Mỹ đang xúc tiến để NATO có thể nhanh chóng kết nạp Thụy Điển làm thành viên mới.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tới Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với vị khách rằng ông "mong đợi" sự chấp thuận nhanh chóng đơn xin gia nhập NATO của Stockholm, thông tin trên được đưa ra bởi tờ The Guardian.
Như ấn phẩm của Anh lưu ý, những lời lạc quan như vậy được người đứng đầu nhà nước Mỹ đưa ra vào lúc này không phải là sự ngẫu nhiên.
Mặc dù vậy, vẫn có nghi ngờ về sự sẵn sàng của Ankara trong việc đồng ý phê chuẩn đơn xin gia nhập Liên minh của Thụy Điển trước hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, sẽ được tổ chức vào tuần tới tại Vilnius.
Trong bài phát biểu tại Phòng Bầu dục, nhà lãnh đạo Mỹ đảm bảo với người đứng đầu chính phủ Thụy Điển rằng ông hoàn toàn ủng hộ Stockholm trên con đường trở thành thành viên NATO.
Về phần mình, Thủ tướng Kristersson bày tỏ cảm ơn đối với Tổng thống Biden vì đã duy trì "sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương" sau khi bùng phát chiến sự ở Ukraine, ca ngợi "nỗ lực" của Mỹ trong việc giúp đỡ họ gia nhập NATO.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Joe Biden có ý định liên hệ trực tiếp với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary (hai quốc gia chưa phê chuẩn Thụy Điển) trước hội nghị thượng đỉnh hay không.
Bất chấp mọi sự đảm bảo của chính quyền Thụy Điển rằng tất cả yêu cầu do Ankara đưa ra liên quan đến các thành viên của phong trào người Kurd đối lập, PKK (chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ coi đây là một nhóm khủng bố) nằm trên lãnh thổ quốc gia này sẽ được giải quyết, một trở ngại nghiêm trọng khác đã xuất hiện trên con đường gia nhập Liên minh của Stokholm.
Sự kiện "giật gân" gần đây xung quanh vụ đốt cháy Kinh Koran gần một nhà thờ Hồi giáo ở thủ đô của Thụy Điển đã khiến mâu thuẫn giữa hai bên không thể dàn xếp.
Theo tờ báo Anh, một ngày trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã đề nghị người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Thụy Điển, nhấn mạnh "tầm quan trọng của việc duy trì sự thống nhất và gắn kết trong khối chính trị - quân sự này".
Theo The Guardian