Mỹ nói dự luật an ninh Hồng Kông của Trung Quốc là 'hồi chuông tử thần'
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây đã cảnh báo kế hoạch của Bắc Kinh về việc thông qua luật an ninh quốc gia mới được thiết kế riêng cho Hồng Kông, gọi hành động này là một 'hồi chuông tử thần' cho thành phố bán tự trị, đồng thời đe dọa trừng phạt Trung Quốc.
“Mỹ lên án đề nghị của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc và chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đơn phương và tùy tiện áp đặt luật an ninh quốc gia với với Hồng Kông”, ông Pompeo phát biểu hôm 22.5.
Theo nhà ngoại giao Mỹ, động thái của Trung Quốc đã bỏ qua các quy trình lập pháp được thiết lập tốt của Hồng Kông và phớt lờ ý chí của người dân đặc khu. “Điều này sẽ một hồi chuông tử thần cho mức độ tự trị cao mà Bắc Kinh đã hứa cho Hồng Kông theo Tuyên bố chung Trung-Anh vốn đã được Liên Hợp Quốc chấp thuận”, ông nói.
“Mỹ hối thúc Bắc Kinh xem xét lại đề xuất thảm họa của mình, tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và tôn trọng quyền tự trị cao, các thể chế dân chủ cùng tự do dân sự của Hồng Kông, mà được coi là chìa khóa để đặc khu duy trì vị thế đặc biệt theo luật pháp Mỹ", Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh.
Tuyến bố của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra vài giờ sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc cho biết chính phủ sẽ thiết lập một hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi hợp lý để đảm bảo an ninh quốc gia tại hai đặc khu hành chính là Hồng Kông và Ma Cao. Dự luật yêu cầu Hồng Kông nhanh chóng hoàn thành các quy định an ninh theo khuôn khổ Luật Cơ bản của đặc khu.
Phản ứng trước thông tin trên, nhiều nhà ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Một số nhà lập pháp ở đặc khu cho rằng kế hoạch của Bắc Kinh mang lại "sự kết thúc cho Hồng Kông”
Về phần mình, nhà lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nhấn mạnh sẽ "hợp tác hoàn toàn" với Bắc Kinh về kế hoạch ban hành luật an ninh đối với Hồng Kông, đồng thời khẳng định động thái này không ảnh hưởng tới tính độc lập tư pháp của đặc khu.
“Quyết định ban hành luật an ninh đối với Hồng Kông nhằm cải thiện khung pháp lý nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến các quyền và tự do hợp pháp mà cư dân Hồng Kông được hưởng", bà Lâm nói.
Nữ lãnh đạo Hồng Kông cho biết: "Chính quyền đặc khu lưu ý rằng quyết định này chỉ nhắm vào các hành động ly khai, lật đổ quyền lực nhà nước, tổ chức và thực hiện các hoạt động khủng bố cũng như các hoạt động can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hồng Kông từ các thế lực bên ngoài”.
“Đây chính xác là các vấn đề mà các lĩnh vực chính trị và kinh doanh ở Hồng Kông cũng như công chúng lo lắng trong năm qua. Chính quyền thành phố đang phải đối mặt với tình hình ngày càng nghiêm trọng liên quan tới an ninh quốc gia", bà Lâm nói và lưu ý những khó khăn mà Hồng Kông phải đối mặt trong việc hoàn thiện luật pháp để bảo vệ an ninh quốc gia.
Người đứng đầu đặc khu khu kinh tế của Trung Quốc khẳng định chính quyền Hồng Kông ủng hộ việc Quốc hội cân nhắc về quyết định thành lập và cải thiện hệ thống pháp luật cấp quốc gia và các cơ chế thực thi để đặc khu thực hiện trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia.
Anh ký với Trung Quốc thỏa thuận khi trao trả Hồng Kông vào năm 1997, trong đó đặc khu này được phép duy trì "mức độ tự trị cao" trong vòng 50 năm, được quy định trong Luật cơ bản Hồng Kông. Việc đặc khu này được hưởng mức độ tự trị cao là cơ sở để Mỹ đánh giá "tình trạng đặc biệt" của nó, giúp đặc khu được hưởng các ưu đãi về thương mại tách biệt với Trung Quốc nói chung và trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu.
“Bất kỳ quyết định nào can thiệp vào công việc của các nhà báo hoặc liên quan đến quyền tự trị và tự do của Hồng Kông sẽ chắc chắn sẽ tác động đến đánh giá của chúng tôi về "một quốc gia, hai chế độ" và tình trạng của vùng lãnh thổ này”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên mạng xã hội Twitter hôm 18.5.
Ông Pompeo hôm 6.5 đã tuyên bố rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoãn báo cáo cho Quốc hội bản đánh giá liệu Hồng Kồng có được hưởng đủ quyền tự trị từ Trung Quốc hay không để tiếp tục nhận được sự đối xử đặc biệt từ Mỹ. Ông cũng giải thích rằng việc trì hoãn này nhằm mục đích để Washington có thêm thời gian quan sát các động thái của Bắc Kinh trước phiên họp Quốc hội Trung Quốc.
Hoàng Vũ (theo Reuters, SCMP, Channel News Asia)