Mỹ phải xây dựng lại quân đội nếu muốn đối đầu với Nga-Trung

Quân đội Mỹ đang phát triển sai hướng, không được trang bị vũ khí mới và được chỉ huy bởi những người không có chuyên ngành - theo The Washington Times.

Một năm rưỡi trước, quân đội Mỹ đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cấp học thuyết, tổ chức các chương trình huấn luyện đào tạo. Theo Chiến lược quốc phòng năm 2018, Mỹ phải có khả năng đương đầu với các cường quốc quân sự lớn như Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo The Washington Times, việc triển khai chương trình mới này có vẻ như không hề đơn giản.

Trong lịch sử nước Mỹ, việc hiện đại hóa quân đội diễn ra nhiều lần với các mức độ thành công khác nhau. Lần này, quân đội Mỹ sẽ cần đến cả may mắn và sự tập trung cao độ vào các mục tiêu đã vạch ra trong 10 năm tới. Và việc đầu tiên cần làm là phải định hướng lại hoàn toàn.

Sở dĩ nói thế là vì trong 18 năm qua, quân đội Mỹ xây dựng lại theo hướng thực hiện các nhiệm vụ nhỏ, đối phó với các phiến quân. Có thể lấy ví dụ như trường hợp Trung tâm Huấn luyện Quân sự Fort Irwin được thiết kế lại với mục đích có thể mô phỏng kịch bản trấn áp các cuộc nổi dậy, trong đó lực lượng quân xanh sẽ đóng vai thường dân.

 Mỹ phải xây dựng lại quân đội nếu muốn đối đầu với Nga-Trung. (Ảnh: Reuters)

Mỹ phải xây dựng lại quân đội nếu muốn đối đầu với Nga-Trung. (Ảnh: Reuters)

Trong khi, theo chiến lược mới, quân đội Mỹ cần phải được chuẩn bị cho những trận chiến lớn với những đối thủ lớn. Quân đội Mỹ hiện giờ chỉ có cách xây dựng lại, tuy nhiên, điều này lại không thể đạt được trong một thời gian ngắn.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng quân đội Mỹ hiện tại cũng không được trang bị các hệ thống vũ khí quy mô, hiện đại. Từ năm 2002 đến 2014, những nghiên cứu phát triển kiểu như vậy liên tục bị đình trệ.

Tuy nhiên, theo The Washington Times, trong một số trường hợp, đó không phải là lỗi của quân đội: đôi khi tiền bị chuyển sang dùng cho các nhu cầu khác hoặc do hoàn cảnh thay đổi. Kết quả, hóa ra phần lớn những gì mà quân đội Mỹ đang sử dụng ngày nay đều đã được tạo ra vào những năm 1970.

Để bắt đầu con đường hiện đại hóa, quân đội Mỹ thành lập một Bộ Tư lệnh mới, và các quan chức cấp cao hiện nay dành phần lớn sự chú ý của họ vào vấn đề này hàng ngày – điều chưa từng xảy ra trước đây.

Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng đặt hàng các loại vũ khí thế hệ mới. Nhưng để có cơ hội làm điều đó, họ phải xin cấp thêm ngân sách. Và do đó, Quốc hội cần phải ủng hộ sáng kiến này.

Cuối cùng, các chuyên gia đề xuất thay đổi cơ cấu tổ chức của quân đội Mỹ. Trong đó, theo họ, việc luân chuyển công tác của giới tướng lĩnh cấp cao hiện đang diễn ra quá thường xuyên, các chỉ huy không có thời gian để đạt được hiệu quả trong công việc của mình.

Ngoài ra, những người không được đào tạo theo chuyên ngành hẹp mà họ đang công tác lại thường được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng. Do đó, các chuyên gia đề xuất nên bắt đầu với việc đào tạo chuyên ngành cho các chỉ huy, rồi sau đó mới bổ nhiệm họ vào các vị trí và không nên thay đổi vị trí đó trong một thời gian ngắn.

Các chuyên gia của The Washington Times cảnh báo ngày nay quân đội Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức mới và nhiều nhiệm vụ quan trọng, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng nước Mỹ đã học được những bài học từ quá khứ và sẽ tiếp cận vấn đề hiện đại hóa quân đội một cách cân nhắc và cẩn thận hơn.

(Nguồn: The Washington Times)

Văn Đức

Nguồn VTC: https://vtc.vn/my-phai-xay-dung-lai-quan-doi-neu-muon-doi-dau-voi-nga-trung-d497813.html