Hôm 1-2-2021, luật hải cảnh (cảnh sát biển) do Trung Quốc ban hành hôm 22-1 chính thức có hiệu lực. Từ những ngày đầu khi chỉ là dự thảo cho tới khi được thông qua, luật đã vấp phải vô số phản đối của các nước.
Luật này cho phép áp dụng "tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí" khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị xâm phạm; phá hủy công trình nước ngoài ở vùng biển, đảo mà họ tuyên bố chủ quyền.
Luật hải cảnh của Trung Quốc tự ban hành nhưng không được phép trái với luật quốc tế. Nhiều chuyên gia hàng hải uy tín cho rằng các nước ASEAN có thể tìm tới Liên Hiệp Quốc để tuyên bố luật này không có giá trị.
Phản ứng trước luật này, Washington "quan ngại về ngôn ngữ trong luật, rõ ràng gắn việc sử dụng vũ lực tiềm tàng, bao gồm cả vũ trang, của hải cảnh Trung Quốc với việc thực thi các yêu sách của Trung Quốc cùng các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải đang diễn ra ở biển Đông và biển Hoa đông", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói trong cuộc họp báo ngày 19-2.
Ông nói ngôn ngữ của luật "ngụ ý mạnh mẽ rằng luật này có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng của Trung Quốc".
"Chúng tôi còn lo ngại rằng Trung Quốc có thể viện dẫn luật mới này để khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp ở biển Đông, vốn đã bị phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 bác bỏ", ông Price nói thêm.
Ông Price cho biết, Mỹ tái khẳng định tuyên bố vào tháng 7-2020, ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Mike Pompeo đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc là "hoàn toàn phi pháp".
Phát ngôn viên nói thêm rằng Mỹ "giữ vững lập trường" trong các cam kết liên minh với Nhật Bản và Philippines.
Trước đó, tân Ngoại trưởng Antony Blinken cũng bày tỏ quan ngại về luật hải cảnh của Trung Quốc trong cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Nhật Bản Toshimitsu Motegi.
Tháng trước, Philippines gửi công hàm phản đối luật hải cảnh Trung Quốc sau khi nó được thông qua. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin gọi đây là "lời đe dọa chiến tranh với bất cứ quốc gia nào từ chối đạo luật".
Hôm 17-2-2021, đại sứ Philippines tại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh khẳng định luật hải cảnh không nhằm vào quốc gia cụ thể nào và hứa "sẽ kiềm chế".
Trung Quốc đơn phương vạch ra yêu sách "đường 9 đoạn" để đòi chủ quyền phi lý với hầu hết diện tích biển Đông. Họ cũng có tranh chấp chủ quyền biển với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
Bắc Kinh nhiều lần điều tàu hải cảnh đến xua đuổi tàu cá của các quốc gia khác và một số lần đâm chìm tàu cá nước ngoài. Hành động phi nhân tính này bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.
Cộng đồng quốc tế dẫn đầu là các cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản... vẫn tiếp tục cử các chiến hạm tuần tra nhằm bảo đảm tự do hàng hải trên biển Đông.
Về phần Mỹ, kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, Washington thực hiện một loạt động thái ở biển Đông, như điều tàu sân bay vào khu vực, thực hiện hoạt động tự do hàng hải, báo hiệu cho Trung Quốc rằng họ sẽ duy trì chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm.
Giới quan sát nhận định, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ vẫn tiếp tục đường lối cứng rắn mà cựu Tổng thống Trump đã thực hiện tại biển Đông nhằm kiềm chế những hành động phi pháp nhằm độc chiếm vùng biển này.
Việt Hùng