Mỹ-Pháp sẽ giải quyết tranh cãi liên quan Đạo luật Giảm Lạm phát
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Đạo luật Giảm Lạm phát không nhằm gây tổn hại cho bất kỳ đồng minh nào của nước này, trong đó có Pháp.
Phát biểu sau cuộc gặp người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng ngày 1/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hai bên “đã nhất trí thảo luận các bước đi thực tế nhằm phối hợp và điều chỉnh các cách tiếp cận để có thể củng cố và đảm bảo chuỗi cung ứng, sản xuất và đổi mới ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương.”
Đặc biệt, theo ông chủ Nhà Trắng, Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) không nhằm gây tổn hại bất kỳ đồng minh nào của Mỹ. Tổng thống Joe Biden khẳng định IRA hướng tới nhằm tăng cường chuỗi cung ứng công nghiệp cùng với các đối tác như châu Âu để khắc phục tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế trước khủng hoảng như đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine. Ông nhấn mạnh bản chất của đạo luật này là bảo đảm rằng Mỹ không phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của bất kỳ quốc gia nào khác và ông hy vọng châu Âu cũng vậy.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng chia sẻ quan điểm của người đồng cấp Mỹ về tạo việc làm và thúc đẩy chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh vốn cũng là mục tiêu chung của châu Âu.
Tuy nhiên, ông cho rằng các khoản trợ cấp cho ngành công nghiệp Mỹ từ IRA có nguy cơ gây tổn hại các doanh nghiệp châu Âu. Sau cuộc gặp ông Biden và các thành viên Quốc hội Mỹ, ông Macron cho biết ông nhận thấy họ có cùng quan điểm. Ông nhấn mạnh “chúng tôi muốn thành công cùng nhau, không chống lại nhau. Châu Âu cần phải tiến nhanh hơn và mạnh mẽ hơn để có cùng tham vọng”.
Song hiện cả hai chưa cho thấy họ có nhất trí về các biện pháp cụ thể hay không.
Ngoài vấn đề kinh tế, trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương trong hàng loạt vấn đề khác như công nghệ, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, an ninh y tế và an ninh lương thực toàn cầu, an ninh mạng, chống tin giả, giáo dục và khoa học-kỹ thuật.
Về an ninh-quốc phòng, hai bên cam kết sẽ “hợp tác vì một châu Âu toàn vẹn, tự do và hòa bình” thông qua duy trì khả năng phòng thủ và an ninh tập thể, bao gồm hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Liên quan tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Washington và Paris dự kiến mở rộng phát triển kinh tế với các quốc đảo Thái Bình Dương, qua đó giúp củng cố khả năng chống chịu của các nước này. Mỹ và Pháp cho biết sẽ cùng phối hợp với Trung Quốc về một số vấn đề toàn cầu quan trọng như biến đổi khí hậu.
Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành công nghệ cao và sáng tạo như lĩnh vực không gian, công nghệ thông tin, dược phẩm và tài chính; xây dựng các chuỗi cung ứng đa dạng, mạnh mẽ cho các nguyên liệu then chốt, và tái khẳng định mục tiêu chung thúc đẩy chuyển đổi năng lượng toàn cầu.