Mỹ phê duyệt dự án khai thác dầu gây tranh cãi tại Alaska
Thứ Hai vừa qua, Chính phủ Mỹ đã phê duyệt dự án khoan dầu lớn ở Alaska có tên là Willow, do gã khổng lồ năng lượng ConocoPhillips của Mỹ thực hiện.
Dự án Willow đã gây ra nhiều tranh cãi từ các nhà hoạt động khí hậu ở Mỹ, họ đã phát động các chiến dịch trên diện rộng nhằm cảnh báo những hậu quả của dự án đối với khí hậu.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Mỹ, cơ quan quản lý vùng đất liên bang Hoa Kỳ, cho biết họ đã thu hẹp quy mô của dự án, từ 5 địa điểm khoan theo đề xuất ban đầu xuống còn 3 địa điểm khoan.
Địa điểm khai thác dầu nằm trong Khu Dự trữ Dầu khí quốc gia ở phía tây bắc Alaska. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã tuyên bố cấm phát triển các dự án dầu khí mới trên vùng đất liên bang này.
Theo Bộ Nội vụ Mỹ, dự án Willow sẽ cung cấp 576 triệu thùng dầu trong khoảng 30 năm tới. Tuy nhiên, dự án này cũng đi đôi với việc phát thải ra môi trường khoảng 239 triệu tấn CO2.
Con số trên tương đương với lượng khí thải từ 64 nhà máy nhiệt điện than thải ra trong 1 năm, theo tính toán của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA). Năm 2020, Mỹ đã thải ra tổng cộng 5,9 tỷ tấn CO2.
Về cam kết bảo vệ môi trường, Chính phủ Mỹ đã cấm khoan dầu vĩnh viễn ở Bắc Băng Dương, đồng thời sẽ bổ sung các biện pháp mới để bảo vệ khu vực rộng lớn thuộc Khu Dự trữ Dầu khí quốc gia Alaska.
Những người ủng hộ dự án Willow coi đây là nguồn tạo việc làm và góp phần giúp Mỹ độc lập năng lượng.
ConocoPhillips, công ty đã nhận được quyền khai thác vào cuối những năm 1990, hoan nghênh quyết định của Chính phủ Mỹ và cho biết họ sẵn sàng “bắt đầu các hoạt động xây dựng ngay lập tức”.
Dự án này sẽ được xây dựng bằng “các vật liệu chủ yếu được sản xuất và có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, đồng thời có khả năng tạo ra hơn 2.500 việc làm trong quá trình xây dựng và khoảng 300 công việc dài hạn”, ConocoPhillips cho biết thêm.
Tác động “tàn phá”
Nhưng các hiệp hội môi trường lên án dự án Willow là một thảm họa đối với khí hậu.
Tổ chức môi trường Sierra Club cho biết: “Willow sẽ là một trong những hoạt động khai thác dầu khí lớn nhất trên các vùng đất công của liên bang cả nước”. “Lượng khí CO2 mà dự án thải vào không khí sẽ có tác động “tàn phá” đối với con người, động vật hoang dã và khí hậu. Chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả trong nhiều thập kỷ tới”.
Trong nhiều ngày qua, một làn sóng video phản đối dự án đã tràn lan trên mạng xã hội TikTok và xuất hiện một bản kiến nghị trực tuyến với hơn 3,2 triệu chữ ký.
Ngược lại, các dân biểu Alaska tại Quốc hội Hoa Kỳ hoan nghênh tin này. “Chúng ta gần như có thể thấy tương lai của Alaska tươi sáng theo đúng nghĩa đen”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lisa Murkowski nói trong một tuyên bố. Bà nói thêm: “Chúng tôi hiện đang trên đà tạo ra hàng nghìn việc làm mới và tạo ra hàng tỷ đô la thu nhập mới”.
Những tranh cãi về dự án Willow đã diễn ra trong nhiều năm qua. Ban đầu dự án đã được chính quyền Trump phê duyệt, trước khi bị phán tạm thời dừng vào năm 2021, nhưng vị thẩm phán đó đã gửi lại dự án để chính phủ xem xét thêm.
Vào đầu tháng 2, Văn phòng Quản lý Đất đai đã công bố bản phân tích môi trường của dự án, trong đó nêu chi tiết một “phương án ưu tiên”, phương án cuối cùng được chọn, với 3 địa điểm khoan.
Giải pháp đặc biệt này có thể làm giảm tác động đối với việc di cư của tuần lộc, đồng thời có thể tiến tới các mục tiêu giảm phát khí thải nhà kính của Tổng thống Joe Biden.
Tổng thống đảng Dân chủ đã cam kết, vào năm 2050, lượng khí thải nhà kính ở Hoa Kỳ sẽ giảm từ 50 - 52% so với mức của năm 2005. Mục tiêu được thực hiện trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về khí hậu, nhằm giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được mức trung hòa carbon đến năm 2050.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch của tổ chức Earthjustice, bà Abigail Dillen, đã chỉ ra một mâu thuẫn rõ ràng: “Chúng tôi biết Tổng thống Biden hiểu mối đe dọa khí hậu hiện hữu, nhưng ông ấy lại chấp thuận một dự án làm chệch hướng các cam kết về khí hậu của chính mình”.