Mỹ, Philippines ký thỏa thuận hạt nhân dân sự mang tính bước ngoặt
Theo Reuters, ngày 17-11, Mỹ và Philippines đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt cho phép Washington xuất khẩu công nghệ và vật liệu hạt nhân dân sự cho Manila, giúp quốc gia này tăng cường an ninh năng lượng, chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch đáp ứng mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong lễ ký kết bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 đang diễn ra tại San Francisco: “Mỹ có thể chia sẻ thiết bị và vật liệu với Philippines khi nước này nỗ lực phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ và cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân dân sự khác”.
Tháng 3 năm ngoái, Mỹ và Philippines đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về thúc đẩy hợp tác hạt nhân dân sự chiến lược, cho phép Mỹ giúp khôi phục chương trình điện hạt nhân tại Philippines. Các cuộc đàm phán về “Thỏa thuận 123” bắt đầu vào tháng 11 - 2022.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr cho biết trong một bài phát biểu: “Chúng tôi nhận thấy năng lượng hạt nhân sẽ trở thành một phần trong cơ cấu năng lượng của Philippines vào năm 2032 và chúng tôi rất vui mừng được theo đuổi con đường này với Mỹ. Năng lượng hạt nhân là một lĩnh vực cho thấy mối quan hệ liên minh và đối tác Philippines - Mỹ thực sự hiệu quả”.
Thỏa thuận này cần có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ, sẽ cho phép chuyển giao vật liệu, thiết bị và thông tin hạt nhân hòa bình tuân thủ các yêu cầu không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Philippines muốn khai thác năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng phụ tải cơ bản thay thế khả thi khi nước này tìm cách ngừng hoạt động các nhà máy than để giúp đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng. Quốc gia Đông Nam Á này dễ bị ảnh hưởng bởi giá dầu toàn cầu biến động, tình trạng mất điện theo mùa và giá điện cao.