Mỹ phóng thử tên lửa hành trình đầu tiên sau khi rút khỏi INF
Ngày 19/8 (theo giờ Washington, tức 20/8 theo giờ Hà Nội), Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra thông báo cho biết, vào lúc 14h30' theo giờ Thái Bình Dương, quân đội Mỹ đã tiến hành một vụ thử nghiệm tên lửa hành trình thông thường phóng từ mặt đất ở đảo San Nicolas thuộc bang California. Đây là lần thử nghiệm tên lửa tầm trung đầu tiên của Mỹ sau khi Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty – viết tắt INF) vào ngày 2 tháng 8. Qua đây, Mỹ cho bên ngoài thấy họ đã quyết định thử nghiệm và triển khai tên lửa tầm trung.
Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 19/8, Lầu Năm Góc nói vụ thử đã được tiến hành lúc 2:30 chiều theo giờ Thái Bình Dương ngày 18/8 năm 2019, tại đảo San Nicolas, California. Tên lửa đã được thử nghiệm cho chuyến bay là loại hành trình phóng từ mặt đất.
“Tên lửa thử nghiệm được phóng từ bệ phóng di động trên mặt đất và bắn trúng mục tiêu sau khi bay hơn 500 km. Dữ liệu và kinh nghiệm rút ra từ cuộc thử nghiệm này sẽ cung cấp thông tin giúp Bộ Quốc phòng phát triển khả năng tên lửa tầm trung trong tương lai” - tuyên bố cho biết.
Các quan chức thông báo với trang web Military.com, cuộc thử nghiệm này được thực hiện bởi sự hợp tác giữa Hải quân Hoa Kỳ và Văn phòng Năng lực (Chiến lược Strategic Capabilities Office).
Theo phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Không quân Robert Carver, tên lửa thử nghiệm là một biến thể của loại Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk.
Năm 1987, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan và cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã ký với nhau Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (viết tắt theo tên tiếng Anh là INF) nhằm mục đích giảm bớt không khí căng thẳng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước INF cấm sản xuất, thử nghiệm tất cả các tên lửa bố trí và phóng trên đất liền phạm vi từ 500 đến 5.500 km (hoặc 310 đến 3.420 dặm Anh). Đối tượng của Hiệp ước bao gồm tất cảcác tên lửa trên đất liền mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô ký Hiệp ước INF năm 1987
Mỹ tin rằng Nga đã nhiều lần vi phạm hiệp ước này. Một quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ hôm 2 tháng 8 nói, Mỹ đang lên kế hoạch thử nghiệm công nghệ tên lửa mới. Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng nói, Nga có một lịch sử lâu dài về việc không tuân thủ các quy định của INF và phải chịu tất cả trách nhiệm đối với sự mất hiệu lực hiệp ước này.
Trong tuyên bố về việc chính thức rút khỏi INF do Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ngày 2 tháng 8, lần đầu tiên Mỹ lên án Nga không tuân thủ hiệp ước và dẫn đến việc Hoa Kỳ rút lui. Nhưng ở trong phần sau của bản tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ ám chỉ rằng Tổng thống Donald Trump muốn tìm cách ký kết một hiệp ước kiểm soát vũ khí đa phương đồng thời ràng buộc cả Trung Quốc và Nga, thay vì hiệp ước INF ký song phương Mỹ - Nga trước đây; chỉ có như thế, mới có thể đạt được an ninh thực sự trên toàn cầu.
Ngày 3 tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết ông hy vọng ngay sau khi rút khỏi thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh; Mỹ sẽ nhanh chóng triển khai các tên lửa thông thường tầm trung trên đất liền của Mỹ ở châu Á.
Mỹ cho rằng, hơn 80% số tên lửa của Trung Quốc có tầm bắn từ 550 km đến 5.500 km. Ông Esper nói: “Chúng tôi cũng muốn phát triển các khả năng tương tự. Trung Quốc không nên ngạc nhiên về điều đó”.
Tuần trước, khi ông Esper bày tỏ ý định muốn bố trí tên lửa tầm trung tại châu Á, Trung Quốc đã lập tức phản đối mạnh mẽ và bày tỏ sẽ không chịu khoanh tay ngồi nhìn!
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố sẽ bố trí tên lửa tầm trung ở châu Á khiến Trung Quốc tức tối
Theo hãng tin Nga Sputnik ngày 20/8, phía Nga đã lên tiếng tuyên bố Nga luôn trung thực thực thi trách nhiệm, cho rằng những lời chỉ trích của Mỹ đối với Nga là vô căn cứ. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nói, Nga cũng rất nghi ngờ việc Mỹ thực thi INNF.
Ngày 18/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã tuyên bố,Nga chưa hề từ chối đối thoại với Mỹ về vấn đề Hiệp ước INF; hành động của Nga là công khai, minh bạch; nhưng một năm trước khi rút khỏi INF, Mỹ đã chi tiền để nghiên cứu phát triển loại tên lửa vi phạm hiệp ước này.
Ông Shoigu nói trong một chương trình “Russia - 24” trên truyền hình: “Trên thực tế, 8 tháng, có lẽ gần 1 năm thì chính xác hơn, trước khi quyết định rút khỏi INF, Washington đã phê duyệt một khoản tài chính cho việc nghiên cứu loại tên lửa này”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đây cũng từng lên án hành vi của Mỹ “làm nghiêm trọng thêm cục diện thế giới và gây nguy hiểm cho tất cả mọi người”. Trong một bản tuyên bố,ông nói: nếu thấy Mỹ đang sản xuất hay bố trí loại tên lửa tầm trung mới, Nga sẽ xem xét kỹ hành động của Mỹ và có đáp trả tương ứng.