Mỹ ra tối hậu thư cho Afghanistan

Mỹ sẽ cắt giảm 1 tỷ USD tiền viện trợ cho Afghanistan vì thất bại của Tổng thống Ashraf Ghani và đối thủ chính trị Abdullah Abdullah trong việc thành lập một chính phủ đoàn kết để thúc đẩy các cuộc đàm phán với Taliban…

Quyết định trên được đưa ra sau chuyến công du bất ngờ tới Afghanistan của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhằm thúc đẩy hòa bình ở quốc gia này, bất chấp những cảnh báo hạn chế đi lại khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Thế nhưng sứ mệnh của ông đã không thành công vì không thể thuyết phục hai đối thủ chính trị ở Afghanistan đi tới thỏa thuận chia sẻ quyền lực. Ông Mike Pompeo đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống Ashraf Ghani và đối thủ chính trị Abdullah Abdullah, và cả cuộc gặp chung với hai người. Sau một ngày hòa giải, các cuộc đối thoại giữa hai đối thủ này đã không đạt được kết quả nào khiến ông Mike Pompeo rất thất vọng.

 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (bên trái) gặp Tổng thống Ashraf Ghani trong chuyến thăm. Ảnh: Getty Images.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (bên trái) gặp Tổng thống Ashraf Ghani trong chuyến thăm. Ảnh: Getty Images.

Trong một tuyên bố bày tỏ sự thất vọng sau chuyến thăm, ông Pompeo cho biết Mỹ đã cắt giảm 1 tỷ USD viện trợ năm nay và sẽ có thể cắt giảm thêm 1 tỷ USD nữa vào năm 2021, nếu Afghanistan không giải quyết được bất đồng chính trị. Ngoại trưởng Mỹ còn cảnh báo một loạt các dự án cũng như cam kết của Mỹ ở các hội nghị tài trợ cho Afghanistan, cũng sẽ được xem xét lại.

Ông đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo Afghanistan vì đã không tuân thủ tuyên bố chung với Mỹ đạt được ngày 29-2, theo đó cử một nhóm đại diện chính phủ đoàn kết đàm phán với Taliban và trả tự do cho các tù nhân. Trong một thỏa thuận riêng rẽ đạt được ngày 29-2 với Taliban, Mỹ cho biết 5.000 tù nhân Taliban sẽ được thả để đổi lấy 1.000 binh lính chính phủ bị bắt giữ bởi quân nổi dậy. Tuy nhiên, Chính phủ Afghanistan không chịu thả các tù nhân trước khi các cuộc thương lượng hòa bình mở rộng diễn ra.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, thất bại này đã làm tổn hại tới quan hệ Mỹ-Afghanistan, làm mất danh tiếng của người dân Afghanistan, người dân Mỹ và cả những đối tác trong liên minh đã nỗ lực xây dựng tương lai mới cho đất nước này. Trước đó, ông Pompeo từ chối trả lời có đưa ra thời hạn cho các đối thủ chính trị tại Afghanistan giải quyết bất đồng hay không, nhưng khẳng định quyết định cắt giảm viện trợ sẽ vẫn có thể đảo ngược, nếu các bên tại Afghanistan đạt được thỏa thuận.

Điều Mỹ lo ngại là những nỗ lực khôi phục hòa bình ở Afghanistan do Washington dẫn đầu có thể trở thành con số 0 do bất đồng chính trị sâu sắc tại Afghanistan. Việc cắt giảm viện trợ của Mỹ chính là ra một tối hậu thư nhằm gây sức ép buộc Chính phủ Afghanistan phải nhượng bộ để đi tới một thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết.

Mỹ hằng năm viện trợ hàng tỷ USD cho ngân sách của Afghanistan, trong đó có khoản hỗ trợ cho lực lượng an ninh nước này. Hiện Afghanistan đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, nên giới quan sát nhận định, tối hậu thư có thể là đòn bẩy tài chính đáng kể để buộc các bên tại Afghanistan phải cố gắng thỏa hiệp vượt qua bế tắc.

Cho đến nay, tình hình ở Afghanistan vẫn không mấy triển vọng cho dù trước đó Mỹ đã đạt được một thỏa thuận với Taliban. Kể từ khi ký thỏa thuận, tiến trình hòa bình Afghanistan vẫn giậm chân tại chỗ vì khủng hoảng chính trị với cuộc đấu đá chính trị nội bộ. Hai đối thủ chính trị là Tổng thống Ghani và ôngAbdullah, nhân vật về thứ hai sau cuộc bầu cử Afghanistan, đều tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Phó đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Cherith Norman Chalet trước đó cũng cảnh báo, giải quyết bất đồng chính trị là điều kiện quan trọng cho hòa bình của Afghanistan: “Chúng tôi đang mong chờ các bước tiếp theo cho tiến trình hòa bình, mặc dù có những vấn đề có thể ảnh hưởng đến con đường đó, đặc biệt là bất đồng chính trị tại Afghanistan và các vụ tấn công bạo lực do Taliban thực hiện đã không giúp các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan diễn ra đúng dự kiến. Ưu tiên hiện nay là một chính phủ Afghanistan đoàn kết và thống nhất-đấy là điều quan trọng cho tương lai cũng như hòa bình của Afghanistan”.

Khủng hoảng chính trị là trở ngại chính cho việc khởi động đàm phán hòa bình giữa các phe phái nội bộ Afghanistan, trong đó có Taliban. Việc tổ chức một hội nghị hòa giải dân tộc với sự tham gia của tất cả các phe phái, được coi là bước đi quan trọng trong thỏa thuận hòa bình, giúp quốc gia Nam Á có thêm cơ hội hòa bình, tuy nhiên giấc mơ này xem ra rất khó thành hiện thực.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/my-ra-toi-hau-thu-cho-afghanistan-613247