Mỹ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris: Sẽ không gây hiệu ứng domino?
Nhiều nhà phân tích cho rằng, quyết định của Tổng thống Donald Trump sẽ không có nguy cơ tạo ra hiệu ứng domino như một số lo ngại trước đây.
Sau một thời gian trì hoãn do những rào cản về pháp lý, chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 4/11 chính thức bắt đầu tiến trình rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trong lá thư gửi tới Liên Hợp Quốc, nước này viện dẫn những lý do đưa tới quyết định, đặc biệt là “những gánh nặng kinh tế không công bằng” mà Mỹ cho là sẽ phải gánh chịu do việc tham gia thỏa thuận. Chính phủ Pháp đã ngay lập tức ra tuyên bố lấy làm tiếc về quyết định này.
Trong một thông cáo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, chính quyền nước này đã đưa ra quyết định rút khỏi Hiệp định Paris vì gánh nặng kinh tế không công bằng đối với người lao động, doanh nghiệp và người nộp thuế ở Mỹ. Theo các điều khoản của hiệp định, tiến trình rút khỏi thỏa thuận toàn cầu này sẽ kéo dài một năm.
Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không còn là thành viên của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày 4/11/2020, một ngày sau ngày bầu cử Tổng thống vào năm sau. Từ nay đến thời điểm đó, Mỹ sẽ không cử phái đoàn tới tham dự các Hội nghị thượng đỉnh khí hậu lớn của Liên hợp quốc, mà đầu tiên phải kể đến Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu lần thứ 25 vào tháng 12 tới tại Tây Ban Nha.
Từng là một trong những đầu tàu của cuộc chống biến đổi khí hậu dưới thời Tổng thống Barack Obama, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump đã trở thành nước duy nhất đứng ngoài thỏa thuận từng được 197 nước ký kết tại Paris.
Trên thực tế, ngay khi lên nắm quyền hồi đầu năm 2017, ông Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa đã công bố ý định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và đàm phán lại một thỏa thuận có lợi hơn cho nước Mỹ. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Hiệp định Paris sẽ ngăn cản chính quyền của ông thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, khiến các nhà sản xuất Mỹ phải đóng cửa do những quy định hạn chế quá mức, trong khi lại cho phép các nhà sản xuất nước ngoài gây ô nhiễm.
“Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, nhưng sẵn sàng đàm phán lại các điều khoản của thỏa thuận, theo hướng công bằng hơn với nước Mỹ, với doanh nghiệp, với người công nhân, người dân và người nộp thuế tại Mỹ. Vì vậy, chúng tôi sẽ rút khỏi, nhưng cũng sẽ bắt đầu đàm phán và sẽ xem liệu có thể thực hiện một thỏa thuận công bằng hơn hay không”, Tổng thống Trump nói.
Ra khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Tổng thống Donald Trump liệu có giữ được công ăn việc làm cho người Mỹ như đã cam kết hay không? Trong khi các nghị sĩ Bảo thủ hoan nghênh thông báo của chính quyền Tổng thống Donald Trump, thì Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (thuộc đảng Dân chủ) lại cho rằng, đây là một quyết định phản khoa học, “bán đứng tương lai của hành tinh và những đứa trẻ”.
Ông Andrew Steer, Chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới thì cho rằng, quyết định được thúc đẩy bởi một tầm nhìn lỗi thời có từ thế kỷ trước, khi người ta tin rằng hành động khí hậu là tốn kém và sẽ phá hủy việc làm. Cựu phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden và là đối thủ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau cùng ngày đăng tải dòng tuýt trong đó chỉ trích đây là một hành động đáng xấu hổ.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, quyết định của Tổng thống Donald Trump sẽ không có nguy cơ tạo ra hiệu ứng domino như một số lo ngại trước đây, mà thậm chí còn làm gia tăng quyết tâm chống biến đổi khí hậu tại những bang do đảng Dân chủ kiểm soát, hay các thành phố và công ty đã cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính carbon dioxide vào năm 2050.
Trong một phản ứng nước ngoài đầu tiên, Tổng thống Pháp Emmnuel Macron, đang có chuyến thăm Trung Quốc đã bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ, đồng thời kêu gọi tăng cường các đối tác toàn cầu về khí hậu và đa dạng sinh học./.