Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc nếu TT Trump thắng cử 2020?
Washington yêu cầu Seoul thanh toán gần 5 tỷ USD chi phí duy trì hiện diện quân sự trong năm 2020. Con số khó tin này có thể trở thành cớ để ông Trump rút quân khỏi Hàn Quốc.
Truyền thông Hàn Quốc cuối tháng 7 cho biết Washington đã đề nghị phía Seoul trả khoảng 5 tỷ USD trong năm 2020 để quân đội Mỹ duy trì hiện diện trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Số tiền mà Washington đòi hỏi tăng gần 6 lần so với năm 2019 khi Seoul chấp nhận trả 879 triệu USD chi phí đóng quân cho Mỹ. Không ít giới chức cấp cao và học giả tại Hàn Quốc đã cười nhạo đề nghị từ Washington.
Lý do cho con số phi lý
Nhiều nhân vật tại Seoul cho rằng con số khổng lồ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi hỏi là quá ngớ ngẩn. Tuy nhiên, có lẽ Seoul nên lo ngại thay vì chế nhạo yêu cầu đóng góp tài chính ông Trump đưa ra.
Sự phi lý của con số 5 tỷ USD thể hiện toàn bộ hàm ý của Washington. Chính quyền Tổng thống Trump hiểu rằng Seoul sẽ không chấp nhận trả khoản chi phí khổng lồ này. Trước đó, chính quyền Tổng thống Moon Jae In đã chấp nhận hỗ trợ 10,7 tỷ USD nâng cấp căn cứ Trại Humphreys quân Mỹ đang đồn trú.
Washington trong tương lai có thể sử dụng tình thế khó xử của Seoul làm đòn bẩy hạn chế hiện diện quân sự và cuối cùng là đạt mục tiêu rút quân khỏi Hàn Quốc.
Viễn cảnh này sẽ làm lợi cho những đối thủ của Hàn Quốc như Triều Tiên, Trung Quốc và Nga. Đồng thời, nó gửi đi tín hiệu đến mọi đồng minh của Washington rằng hiện diện quân sự của Mỹ ở nước ngoài sẽ dựa trên trao đổi lợi ích kinh tế có qua có lại, chứ không còn đặt trên nền tảng an ninh chung như bấy lâu.
Tổng thống Trump ngày 7/8 cố tìm cách vẽ hình ảnh tích cực hơn về "hóa đơn" không tưởng đã gửi cho Seoul. Viết trên Twitter, nhà lãnh đạo 73 tuổi xác nhận ông đề nghị Hàn Quốc đóng góp tài chính nhiều hơn nữa để Mỹ duy trì hiện diện quân sự.
"Hàn Quốc là đất nước rất giàu có. Giờ họ đã cảm thấy được nghĩa vụ phải đóng góp cho sự phòng vệ quân sự từ Mỹ. Quan hệ giữa hai nước đang rất tốt", ông Trump nhấn mạnh.
"Giấc mơ" rút quân khỏi Hàn Quốc
Tham vọng rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc đã được ông Donald Trump nhắc đến nhiều năm trước. Từ thập niên 1990, tỷ phú New York từng nhiều lần chỉ trích các đồng minh của Mỹ hưởng lợi không công và lợi dụng siêu cường. Ông thậm chí từng đề cập đích danh Hàn Quốc là ví dụ rõ nhất cho tình trạng đồng minh giàu có "hút máu" Mỹ.
"Tôi nghĩ đất nước chúng ta cần cái tôi lớn hơn, vì chúng ta đang bị hút máu quá nhiều bởi những nước tự xưng là đồng minh như Nhật Bản, Đức, Saudi Arabia và Hàn Quốc", ông Trump trả lời trên tạp chí Playboy năm 1990.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2013 với kênh truyền hình Fox News, ông Trump lại một lần nữa cáo buộc Hàn Quốc đang lợi dụng Mỹ. "Chúng ta gửi đến đó đủ thứ, nào là tàu sân bay, tàu chiến, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom. Chúng ta chẳng nhận lại được gì", ông nhận định.
Có thể thấy rõ, từ trước khi chọn con đường chính trị rồi trở thành tổng thống, ông Trump luôn tin rằng hiện diện quân sự Mỹ tại Hàn Quốc là tình huống "toàn thua", đồng thời cho rằng Seoul lợi dụng Washington về lợi thế thương mại.
Dù ông Trump là người thường thay đổi bất ngờ, niềm tin của ông ấy rằng Hàn Quốc là người đi tàu không vé trên chuyến tàu an ninh Mỹ không mảy may suy suyển trong nhiều năm. Tổng thống Mỹ khó lòng thay đổi kết luận của riêng mình cả sau khi tái đắc cử năm 2020, trong cuộc bầu cử mà đảng Cộng hòa và ông Trump đang có nhiều lợi thế.
"Tình bạn" lạ kỳ giữa tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể là tác nhân bổ sung thúc đẩy đề nghị 5 tỷ USD mà Washington vừa gửi cho Seoul. Chiến lược tái hòa dịu quan hệ với Triều Tiên đã trở thành trụ cột trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump nửa sau nhiệm kỳ đầu.
Ông không thể đánh mất sự ưu ái mà Bình Nhưỡng đang dành cho mình, đồng thời cần đưa ra một phần thưởng cho sự kiên nhẫn của giới lãnh đạo Triều Tiên. Dù liên tục phóng tên lửa tầm ngắn trong vài tháng qua, ông Kim Jong Un phần nào vẫn giữ đúng lời hứa với Tổng thống Trump khi không thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung.
Kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, Bình Nhưỡng hết lần này đến lần khác yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc. Mục tiêu này chưa bao giờ lung lay qua 3 đời lãnh đạo Triều Tiên. Giới lãnh đạo Bình Nhưỡng luôn xem Các lực lượng vũ trang Mỹ đóng tại Hàn Quốc (USFK) là mối đe dọa an ninh quốc gia và sự tồn vong của Triều Tiên.
Cả ông Trump lẫn ông Kim đều không thích việc quân Mỹ đồn trú tại miền Nam bán đảo Triều Tiên. Điểm tương đồng kỳ lạ này trong lập trường của hai nhà lãnh đạo có thể giúp tổng thống Mỹ đưa ra lời đề nghị "hai bên cùng thắng" khi đàm phán.
Seoul không nhiều lựa chọn
Những chuyển biến hiện nay đẩy Hàn Quốc vào vị thế nhiều khả năng buộc phải nuốt "liều thuốc đắng" 5 tỷ USD của Mỹ. Hệ lụy từ kịch bản còn lại với Seoul là quá nghiêm trọng.
Hàn Quốc đang đối diện môi trường địa chiến lược đầy biến động. Căng thẳng với người hàng xóm Nhật Bản, liên quan đến các di sản của thời bán đảo Triều Tiên bị chiếm đóng, đã leo thang thành chiến tranh thương mại và căng thẳng ngoại giao. Sau sự cố máy bay quân sự Nga xâm phạm không phận trong đợt tập trận cùng không quân Trung Quốc tháng 7, Hàn Quốc càng cần sự hỗ trợ của Mỹ nhiều hơn là cứng rắn đàm phán.
Nếu USFK rời khỏi lãnh thổ Hàn Quốc, kịch bản xấu nhất là phía Triều Tiên đủ liều lĩnh để phát động một cuộc chiến trên miền Nam bán đảo. Trung Quốc và Nga cũng có thể tạo sức ép lên Seoul và kéo nước nhỏ hơn vào quỹ đạo phụ thuộc kinh tế.
Ông Trump từng chia sẻ phong cách của ông khá đơn giản và thẳng thắn: "Tôi nhắm mục tiêu rất cao, sau đó tiếp tục tạo sức ép không ngừng đến khi nào đạt được thứ mình muốn". Nói cách khác, đề nghị đầu tiên của ông Trump thường không phải là thứ cuối cùng ông nhắm đến.
Theo Benjamin R. Young, chuyên gia tại ĐH bang Dakota, Seoul cần nhận ra màn đánh lạc hướng của ông Trump và chấp nhận trả số tiền 5 tỷ USD cao đến phi lý mà Washington yêu cầu.
Hàn Quốc từ đó vừa duy trì hiện diện của USFK vừa hạn chế những sức ép bên ngoài từ những đối thủ hàng xóm.
Tuy nhiên, vẫn có khả năng lớn Seoul sẽ không chấp nhận yêu cầu của Washington. Tâm lý phản đối hiện diện quân sự Mỹ tại Hàn Quốc từ lâu ăn sâu vào tư tưởng chính trị các đảng cánh tả nước này, vốn cổ xúy mạnh chủ nghĩa dân tộc từ thập niên 1980.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí The Atlantic năm 2018, ông Moon Chung In, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Moon Jae In trong các vấn đề đối ngoại và an ninh quốc gia, từng nhấn mạnh: "Với cá nhân tôi, tốt nhất là nên dẹp luôn liên minh".
Người cố vấn của tổng thống Hàn Quốc có thể sớm nhìn thấy điều ước của mình thành hiện thực khi ông Trump tái đắc cử tổng thống năm 2020.