Mỹ sẵn sàng triển khai chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19
Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 của Moderna trên tình nguyện viên tại Detroit, Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
* Nhật Bản sẽ trả kinh phí nếu người tiêm vắc xin COVID-19 có biến chứng
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới và nhập viện do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng chóng mặt trong những ngày qua, giới chức Mỹ ngày 1/12 thông báo sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vắcxin cho hàng triệu công dân, sớm nhất là từ giữa tháng 12.
Cố vấn hàng đầu của chương trình "Triển khai chiến dịch tiêm chủng" của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết 20 triệu người dân có thể sẽ được tiêm vắcxin vào cuối năm 2020 và đến giữa năm 2021, hầu hết người dân Mỹ có thể tiếp cận được với các loại vắcxin hiệu quả cao.
Trong khi đó, tại một sự kiện do báo The Washington Post thực hiện cùng ngày, ông Moncef Slaoui, cựu Giám đốc điều hành Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline - GSK, tiết lộ rằng: "Trong vòng 24 giờ, nhiều nhất là 36-48 giờ, sau khi được cấp phép, vắcxin ngừa COVID-19 có thể tới được tay người dân".
Cùng với việc các sản phẩm vắcxin của Tập đoàn dược phẩm Pfizer và Moderna được thông qua, kể từ tháng 1/2021, mỗi tháng sẽ có khoảng 60-70 triệu liều vắcxin được cung ứng cho nhu cầu của người dân.
Theo kế hoạch, một ủy ban của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) gồm nhiều cố vấn từ bên ngoài sẽ họp vào ngày 10/12 để thảo luận liệu xem có đề xuất "quyền sử dụng khẩn cấp" đối với vắcxin của Pfizer hoặc Moderna hay không.
Theo ông Saloui và Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar, tiến trình phân phối vắcxin sẽ bắt đầu sau khi FDA thông qua loại vắcxin đầu tiên, dự kiến là vài ngày sau cuộc họp trên.
Tuy nhiên, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Sinh học của FDA, Tiến sĩ Peter Marks, cho rằng có thể mất "vài ngày, thậm chí vài tuần" để cơ quan này đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong khi ông Stephen Hahn, một ủy viên của FDA nhận định quy trình thông qua có thể kéo dài hơn thời gian chính quyền Trump đã đề xuất.
Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình ABC News ngày 1/12, rằng liệu vắcxin có thể sẵn sàng đưa vào tiêm chủng trong tuần từ 15/12 hay không, ông Hahn cho biết: "Có thể, nhưng lưu ý, kế hoạch này vẫn phụ thuộc vào những vấn đề và dữ liệu mà ủy ban cố vấn vắcxin đưa ra sau khi xem xét".
Cùng ngày, Bộ GTVT Mỹ thông báo đã chuẩn bị sẵn sàng để cho phép "vận chuyển ngay lập tức một số lượng lớn vắcxin ngừa COVID-19 cũng như đã hoàn tất mọi quy định cần thiết về thủ tục".
Liên quan đến đối tượng ưu tiên trong chương trình tiêm chủng, ngày 1/12, hội đồng cố vấn của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã bỏ phiêúvới tỉ lệ gần như tuyệt đối 13/1 thành viên khuyến nghị rằng nhân viên y tế và những người sống trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe lâu dài phải là những đối tượng được ưu tiên tiếp cận vắcxin trong giai đoạn đầu tiên. Đây là hai nhóm có số ca tử vong chiếm khoảng 40% số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ.
CDC cho biết hai nhóm này có khoảng 24 triệu người, gần bằng số người dự tính sẽ được tiêm chủng trong tháng 12 nếu các loại vắcxin của Pfizer và Moderna được thông qua và các hãng cung cấp khoảng 40 triệu liều như đã cam kết.
CDC sẽ xem xét khuyến nghị trên và gửi hướng dẫn sử dụng cho các bang nhằm hỗ trợ các thống đốc trong việc quyết định về ưu tiên phân phối vắcxin.
Dự kiến, mỗi người sẽ được tiêm 2 liều, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 3 tuần (nếu dùng vắcxin của Pfizer), hoặc cách nhau 4 tuần (nếu dùng vắcxin của Moderna).
Ngày 1/12, Bộ Y tế Brazil đã công bố kế hoạch gồm bốn giai đoạn, theo đó phân loại những người bản địa, nhân viên y tế và những người từ 75 tuổi trở lên sẽ là những đối tượng ưu tiên trong chương trình tiêm chủng quốc gia vắcxin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nhóm trong độ tuổi từ 60-74 sẽ là những đối tượng nằm trong giai đoạn ưu tiên thứ hai và những người có bệnh nền như bệnh tim, thận sẽ được tiêm trong giai đoạn ba. Giai đoạn cuối cùng, trước khi đưa vào tiêm đại trà, sẽ bao gồm giáo viên, nhân viên an ninh, nhân viên trại giam và tủ nhân. Những nhóm đối tượng trong bốn giai đoạn trên chiếm khoảng gần 50% dân số, khoảng 109,5 trong tổng số 212 triệu người.
Theo Bộ Y tế Brazil, nước này sẽ thông qua lần cuối cùng khi rõ ràng vắcxin nào sẽ có trước. Một quan chức bộ trên cho biết ứng cử viên lý tưởng nhất với quốc gia Nam Mỹ này là loại tiêm một liều duy nhất, có chi phí phải chăng và có thể vận chuyển và lưu giữ ở nhiệt độ từ 2-8 độ C.
Trong số các loại mà Brazil đang xem xét mua, vắcxin một liều duy nhất do Janssen, chi nhánh dược phẩm của hãng Johnson & Johnson tại Bỉ phát triển.
Bộ cho biết cho đến nay Brazil đã đảm bảo có thể tiếp cận được 142,9 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19, trong đó 100,4 triệu liều theo thỏa thuận đã ký với AstraZeneca PLC và 14,5 triệu thông qua chương trình của Liên hợp quốc do hãng COVAX đứng đầu.
Tại Nhật Bản, ngày 2/12, Thượng viện đã thông qua Luật Tiêm chủng dự phòng sửa đổi nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho việc tổ chức tiêm chủng khi vắcxin ngừa COVID-19 được đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Luật tiêm chủng dự phòng sửa đổi của Nhật Bản quy định “nghĩa vụ hợp tác” của người dân đối với việc tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19. Các địa phương trên toàn nước Nhật sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tiêm chủng và người dân sẽ không phải chi trả bất cứ khoản kinh phí nào.
Người già, người có bệnh nền và các nhân viên y tế là đối tượng sẽ được ưu tiên trong chương trình này. Bên cạnh đó, luật này cũng đưa vào điều khoản quan trọng liên quan đến trách nhiệm bồi thường trong trường hợp xuất hiện biến chứng khi tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19. Theo đó, chính phủ Nhật Bản sẽ chi trả toàn bộ kinh phí điều trị cho bệnh nhân xuất hiện biến chứng, đồng thời bồi thường tổn thất cho các công ty dược phẩm nếu bệnh nhân yêu cầu bồi thường.
Để cơ chế thuận lợi cho công tác tiêm chủng vắcxin, Chính phủ Nhật Bản sẽ xây dựng hệ thống cần thiết như các kho đông lạnh, tổ chức các buổi tập huấn cho các địa phương… đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để có thể triển khai tiêm chủng vào nửa đầu năm 2021.
Trong thời gian gần đây dịch COVID -19 tại Nhật Bản tiếp tục diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm virus, số bệnh nhân nguy kịch và số ca tử vong đều tăng cao kỷ lục. Riêng trong ngày 1/12, Nhật Bản ghi nhận thêm 2.030 ca nhiễm mới, trong đó có 372 ca ở thủ đô Tokyo và 318 ca ở tỉnh Osaka. Các địa phương có số ca nhiễm mới vượt mức 100 ca/ngày gồm: Saitama, Kanagawa, Aichi và Hyogo.