Mỹ sắp có vũ khí siêu lợi hại để tiêu diệt tên lửa hạt nhân
MDA đang đẩy mạnh việc thực hiện sáng kiến phát triển Thiết bị Đánh chặn thế hệ tiếp theo (NGI), nhằm phát triển vũ khí phòng thủ tên lửa mới vào cuối thế kỷ này.
Vũ khí mới có khả năng tiêu diệt cùng lúc nhiều tên lửa ICMB
Có rất nhiều mối đe dọa nghiêm trọng mà Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) và ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ đang nỗ lực làm việc để nhanh chóng tìm ra biện pháp đối phó.
Những mối đe dọa này bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng đầu đạn hạt nhân và vũ khí siêu thanh, các phương tiện dẫn đường chính xác có khả năng hồi quyển và một cuộc tấn công sử dụng cùng lúc nhiều tên lửa với mỗi tên lửa có nhiều đầu đạn tách rời.
MDA hy vọng có thể chống lại với những mối đe dọa nói trên thông qua việc phát triển những vũ khí mới như vũ khí laser cường độ cao và quan trọng hơn cả là triển khai sáng kiến phát triển Thiết bị Đánh chặn thế hệ tiếp theo (NGI), nhằm phát triển vũ khí phòng thủ tên lửa mới vào cuối thế kỷ này. Theo Defense news, cơ quan này đã yêu cầu phân bổ 664,1 triệu USD trong năm tài chính 2021 cho chương trình NGI, là một phần của kế hoạch ngân sách 4,9 tỷ USD kéo dài trong 5 năm
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ có kế hoạch ký kết hai hợp đồng thực hiện dự án NGI – nhằm phát triển vũ khí có những cải tiến mới nhất về công nghệ và chuẩn bị cơ sở hạ tầng cần thiết để triển khai khi chúng xuất hiện. Dù MDA và các đối tác của cơ quan này không cung cấp thông tin chi tiết về các thông số của vũ khí mới - được cho là sẽ thay thế các hệ thống tên lửa đánh chặn từ các hầm phóng trong lòng đất hiện có, nhưng theo National Interest, vũ khí đánh chặn mới sẽ ra mắt vào năm 2028 hoặc xa hơn. Vũ khí này cần phải di chuyển với tốc độ cực nhanh và phải được trang bị “phương tiện tiêu diệt hàng loạt” để có thể cùng lúc bắn hạ nhiều tên lửa ICBM trong không gian.
Ông Terry Feehan, phó chủ tịch tập đoàn Northrop Grumman, phụ trách chương trình NGI cho biết: “MDA đã nêu rõ với tất cả các nhà cung cấp vũ khí rằng họ cần phải phát triển một hệ thống đáng tin cậy có khả năng chống lại các mối đe dọa hiện tại và có sự linh hoạt cần thiết để thể nâng cấp nhằm đối phó với những mối đe dọa trong tương lai”.
Tập đoàn Northrop Grumman đã hợp tác với nhà sản xuất vũ khí Raytheon trong chương trình phát triển NGI để áp dụng một cách hiệu quả nhất những đổi mới và tiến bộ về kỹ thuật mà mỗi bên có được thông qua Dự án ICBM mới, có tên gọi Hệ thống Răn đe Chiến lược Mặt đất (GBSD) của Northrop Grumman và hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 Block IIA của Raytheon. Cả hai dự án này đều khai thác những đột phá về công nghệ trong các khía cạnh tích hợp cảm biến, nhắm mục tiêu chính xác, tầm hoạt động và độ tin cậy về tính năng của tên lửa.
Chống lại nhiều mối đe dọa
Bà Melissa Morrison-Ellis, phụ trách mảng tên lửa và quốc phòng của tập đoàn Raytheon giải thích, mục tiêu chính của dự án NGI là tạo ra một tên lửa đánh chặn tốc độ cao được tích hợp các công nghệ thế hệ mới đầy hứa hẹn.
“MDA đã nói với các đối tác trong ngành công nghiệp quốc phòng rằng: “Đừng mang những tên lửa giấy cho chúng tôi, chúng tôi muốn các bạn mang lại cho chúng tôi loại tên lửa thực sự đạt hiệu quả về mặt công nghệ”, ông Terry Feehan cho biết.
National Interest dẫn lời các nhà phát triển của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa rằng, ý tưởng của họ là muốn tạo ra những hệ thống đánh chặn mới có thể triển khai nhanh chóng và cũng dễ dàng nâng cấp, sửa đổi khi cần thiết để chống lại nhiều mối đe dọa khác nhau. Theo một quan chức của cơ quan này, nhiều khả năng tên lửa mới sẽ ra mắt vào năm 2028.
Mark Wright, người phát ngôn của MDA cho biết: “Chúng tôi liên tục nâng cấp các hệ thống vũ khí hiện có để đảm bảo chúng sẽ phát huy hiệu quả cao nhất trong việc bảo vệ đất nước. Đây là sự phát triển theo mô hình xoắn ốc. Chúng tôi luôn tìm cách cải tiến, chẳng hạn như nâng cấp phần mềm”.
Video minh họa hệ thống SM-3 Block IIA đánh chặn thành công ICBM. Nguồn: Twitter.
Hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm cao SM-3 Block IIA đã tạo ra bước đột phá mới khi trở thành vũ khí đầu tiên trong lịch sử phá hủy thành công một mục tiêu giống ICBM trong một cuộc thử nghiệm thời gian gần đây. Tập đoàn Raytheon dự định sẽ nâng cấp công nghệ tìm kiếm mục tiêu được thiết kế để dẫn đường cho các phương tiện tìm diệt. Kế hoạch này bao gồm gia tăng khả năng phân biệt các vật thể bay nhanh trong không gian. Các phương tiện đánh chặn, tìm kiếm và tiêu diệt cần phải có khả năng phân biệt giữa “mồi nhử” với các tên lửa ICBM thật để không bị nhầm lẫn khi tấn công, nhằm làm giảm khả năng bắn trượt mục tiêu.
Nổi tiếng với phương tiện tấn công ngoài bầu khí quyển (Exoatmospheric Kill Vehicle - EKV) và đạt nhiều tiến triển trong dự án phát triển phương tiện tiêu diệt hàng loạt (Multiple Kill Vehicle), tập đoàn Rautheon hy vọng sẽ dựa vào những tiến bộ kỹ thuật để tạo ra thế hệ các phương tiện tiêu diệt dẫn đường chính xác mới, đầy hứa hẹn. Mặc dù cả Raytheon và Northrop không tiết lộ bất cứ thông số kỹ thuật nào liên quan đến sản phẩm của họ, song các chuyên gia vũ khí cho rằng, vũ khí mới trong khuôn khổ dự án NGI sẽ có sự kết hợp các tính năng của hệ thống đánh chặn và công nghệ mới về tìm kiếm, phân biệt mục tiêu để cùng lúc tiêu diệt được nhiều tên lửa ICBM./.