Mỹ-Saudi Arabia bắt tay định hình cấu trúc an ninh Trung Đông
Mỹ-Saudi Arabia đang thảo luận về một thỏa thuận lớn có khả năng sẽ định hình lại cấu trúc an ninh Trung Đông.
Đầu tháng này, một số quan chức Mỹ cho biết nước này và Saudi Arabia đang hoàn tất các chi tiết của một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và thương mại song phương, theo đài CNN.
Tuy nhiên, các quan chức này lưu ý rằng thỏa thuận có thể sẽ không đạt được nếu như Saudi Arabia và Israel không thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu từ lâu đã tìm kiếm mối quan hệ với Saudi Arabia và động thái này có thể gây ra hiệu ứng domino trên khắp thế giới Hồi giáo.
Thỏa thuận mang tính bước ngoặt
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller thông báo rằng Mỹ hiện đang đàm phán một thỏa thuận lớn liên quan đến ba thành phần, gồm: (1) một gói thỏa thuận giữa Mỹ và Saudi Arabia; (2) mục tiêu bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel; (3) con đường dẫn đến một nhà nước Palestine.
“Tất cả đều được liên kết với nhau. Không thành phần nào đi trước nếu không có thành phần còn lại” - ông Miller nhấn mạnh.
Các chuyên gia mô tả hiệp ước giữa Mỹ-Saudi Arabia sẽ là một “bộ hiểu biết toàn diện”, bao gồm các đảm bảo của Mỹ về an ninh, kinh tế và công nghệ cũng như hỗ trợ cho chương trình hạt nhân dân sự của nước này.
Trong khi đó, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel dự kiến sẽ được mô phỏng theo Hiệp định Abraham năm 2020 về bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và bốn quốc gia Ả Rập. Hiệp định Abraham năm 2020 được Mỹ khởi xướng dưới thời Tổng thống Donald Trump.
“Tầm nhìn tổng hợp là sự hiểu biết song phương giữa Mỹ và Saudi Arabia, kết hợp với việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia, đi kèm với các bước đi có ý nghĩa thay mặt cho người dân Palestine. Tất cả những điều đó phải kết hợp với nhau . . . bạn không thể tách rời phần này khỏi phần khác” - Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với tờ Financial Times hôm 5-5.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Thái tử Saudi Arabia - ông Mohamed bin Salman bên lề một hội nghị kinh tế ở thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) hôm 29-4 để thảo luận về thỏa thuận này. Tuy nhiên, ông Blinken nhấn mạnh rằng để đạt được việc bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel, cần phải có con đường cho một nhà nước Palestine và “sự bình yên ở Gaza”.
Trong những năm gần đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã coi việc bình thường hóa Israel-Saudi Arabia là trọng tâm trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông. Theo CNN, Mỹ và Saudi Arabia đã tiếp tục thảo luận về thỏa thuận trên vào năm 2023 và ông Bliken từng có kế hoạch tới Riyadh vào ngày 10-10-2023 để bàn chi tiết, chỉ ba ngày trước khi Hamas tấn công Israel, khiến nỗ lực này bị hoãn lại.
Cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza sau đó có thể đã làm thay đổi các điều khoản trong thỏa thuận lớn. Theo các chuyên gia, giờ đây, việc Israel chấp nhận một con đường “không thể đảo ngược” để thành lập một nhà nước Palestine sẽ là chìa khóa cho thành phần bình thường hóa quan trọng của thỏa thuận lớn.
Saudi Arabia cho biết họ sẽ chỉ đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel nếu nước này chấm dứt các cuộc tấn công vào Gaza và đồng ý thành lập một nhà nước Palestine.
Tuy nhiên, thủ tướng Israel nhiều lần bác bỏ viễn cảnh thành lập một nhà nước Palestine độc lập, cho rằng điều đó sẽ gây tổn hại đến an ninh của Israel và kiên quyết tiếp tục cuộc chiến ở Gaza cho đến khi Hamas bị loại bỏ. Điều này có thể khiến Saudi Arabia tìm cách hoàn tất thỏa thuận song phương mà không có thành phần bình thường hóa với Israel.
Tác động tới khu vực
Theo hãng tin Bloomberg, một thỏa thuận lớn giữa Mỹ và Saudi Arabia có khả năng sẽ định hình lại Trung Đông. Ngoài việc củng cố an ninh của Israel và Saudi Arabia, nó sẽ củng cố vị thế của Mỹ trong khu vực.
Đối với Saudi Arabia, một thỏa thuận song phương với Mỹ sẽ là một thắng lợi lớn. Riyadh mong muốn tăng cường khả năng phòng thủ của nước này và đa dạng hóa nền kinh tế khỏi nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khi quốc gia này đang theo đuổi chính sách kinh tế đầy tham vọng mang tên Tầm nhìn 2030. Ngoài ra, Saudi Arabia có một chương trình hạt nhân dân sự non trẻ và rất cần sự hỗ trợ từ Mỹ.
Đối với Mỹ, thỏa thuận này cũng sẽ “củng cố sự thống trị của Mỹ ở Trung Đông trong nhiều thế hệ và sẽ làm giảm bớt thách thức ngày càng tăng do cả Trung Quốc và Nga đặt ra”, theo chuyên gia Firas Maksad tại Viện Trung Đông (Mỹ). Bên cạnh đó, tờ Foreign Policy cho biết Washington đã bắt tay vào nỗ lực tăng cường an ninh khu vực nhằm kiềm chế và răn đe Iran và do đó, vai trò của Saudi Arabia trong nỗ lực này là rất quan trọng.
Đối với Israel, bằng cách bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia, Thủ tướng Netanyahu có thể đạt được thành tựu chiến lược mà ông rất cần lúc này, đó là được nền kinh tế lớn nhất Trung Đông và nhà lãnh đạo thế giới Hồi giáo công nhận, theo Foreign Policy.
Việc Saudi Arabia công nhận Israel sẽ mở đường cho các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo làm theo. Viễn cảnh này cũng có thể giúp chấm dứt căng thẳng giữa thế giới Ả Rập và Israel trong nhiều thập niên, đưa Israel vào nền kinh tế của khu vực và tạo thành nền tảng cho một liên kết khu vực mới nhằm kiềm chế Iran, theo chuyên gia Maksad.
Saudi Arabia tính "Kế hoạch B” với Mỹ mà không có Israel
Theo tờ The Guardian, Saudi Arabia đang thúc đẩy một kế hoạch B về thỏa thuận song phương với Mỹ mà không có thành phần bình thường hóa quan hệ với Israel, trong bối cảnh không có ngừng bắn ở Gaza và sự phản kháng kiên quyết từ chính phủ Israel về một nhà nước Palestine.
Tuy nhiên, cách tiếp cận như vậy sẽ gặp phải những trở ngại lớn. Thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho biết một thỏa thuận thiết lập cam kết quân sự chắc chắn của Mỹ đối với an ninh Saudi Arabia mà không có yếu tố bình thường hóa sẽ khó có thể được quốc hội Mỹ thông qua.
Các chuyên gia nói rằng Tổng thống Biden có thể vượt qua quốc hội để đạt được thỏa thuận với Saudi Arabia mô phỏng theo Thỏa thuận thịnh vượng và hội nhập an ninh toàn diện mà chính quyền ông Biden đã ký với Bahrain vào tháng 9-2023.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền ông Biden sẽ chọn cách bỏ qua quốc hội để thỏa thuận song phương với Saudi Arabia được thông qua.
VĨNH KHANG