Mỹ sẽ bán 120 tên lửa không đối không tầm trung cho Hàn Quốc
Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn hợp đồng bán 120 tên lửa AIM-120C-7/C-8 (tên lửa không đối không tầm trung) cho Hàn Quốc, thông tin được Cơ quan Hợp tác Quốc phòng An ninh Mỹ khẳng định trong một thông cáo báo chí đưa ra hôm 17-10.
Theo đó, gói tên lửa trị giá 253 triệu đô la được cung cấp theo yêu cầu của phía Hàn Quốc nhằm trang bị cho các phi đội máy bay chiến đấu F-15K, KF-16 và F-35 của nước này.
Dòng tên lửa AIM-120 được coi là “sát thủ diệt chim sắt” hiện đại nhất của Mỹ và cũng là loại tên lửa không đối không được sử dụng nhiều nhất hiện nay trên thế giới. Các phiên bản khác nhau của dòng tên lửa này đang được quân đội nhiều nước đồng minh và đối tác của Mỹ sử dụng, trong đó có lực lượng không quân Hàn Quốc.
Tên lửa AIM-120C có khả năng bám theo mục tiêu và tầm bắn hiệu quả lớn hơn nhiều so với các phiên bản AIM-120A và AIM-120B. Theo Cơ quan Hợp tác Quốc phòng An ninh Mỹ, việc bán gói tên lửa này cho Hàn Quốc sẽ góp phần tăng cường khả năng phối hợp giữa quân đội hai nước trong thời gian sắp tới.
Cơ quan này nhấn mạnh trong thông cáo rằng gói tên lửa nói trên “sẽ hỗ trợ chính sách ngoại giao và mục tiêu an ninh quốc gia của Mỹ” bằng cách “đáp ứng yêu cầu phòng vệ chính đáng của một trong những đồng minh thân cận nhất của nước này tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.
Thông cáo cũng khẳng định rằng Hàn Quốc là một trong những quốc gia có ảnh hưởng cả về kinh tế, chính trị ở khu vực Đông Á và Tây Thái Bình Dương, đồng thời cũng là một đối tác quan trọng của Mỹ trong nỗ lực đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực này. Chính vì vậy, việc hỗ trợ Hàn Quốc nâng cao tiềm lực quốc phòng và duy trì khả năng phòng vệ là một điều cần thiết cho lợi ích của nước Mỹ.
Đây không phải là gói tên lửa không đối không tầm trung AIM-120C đầu tiên mà phía Mỹ bán cho Hàn Quốc. Năm 2013, không quân Hàn Quốc cũng đã đạt được thỏa thuận mua 260 tên lửa AIM-120C-7 trị giá khoảng 450 triệu đô la của Mỹ. Gói hàng tại thời điểm đó được cho là hợp lý khi đáp ứng yêu cầu nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu giúp quân đội Hàn Quốc ứng phó với những tình huống chiến tranh bất ngờ.
Mỹ và Hàn Quốc là hai nước đồng minh thân thiết thường xuyên có các hoạt động tập trận chung nhằm đối phó với mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, áp lực buộc Hàn Quốc phải mua thêm vũ khí của Mỹ đã tăng lên nhiều. Lý do một phần bởi chính ông Trump, ngay từ trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của mình, đã kịch liệt chỉ trích các nước đồng minh chưa đóng góp tương xứng cho các chi phí duy trì lực lượng đồn trú của Mỹ. Ông cũng từng than phiền rằng Seoul đã chia sẻ khoản kinh phí "không tương xứng" so với những gì Mỹ bỏ ra. Chính vì vậy, sau khi lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống Trump đã gây sức ép buộc Hàn Quốc phải cùng đàm phán về thỏa thuận chia sẻ kinh phí duy trì hoạt động của lực lượng binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc (USFK). Hiện tại, có khoảng 28.500 lính Mỹ đang đóng quân trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Ngoài việc đồng ý tăng mức đóng góp để duy trì hoạt động của USFK hàng năm, việc mua vũ khí cũng là giải pháp để Hàn Quốc cân bằng mối quan hệ đồng minh với Mỹ và tranh thủ sự ủng hộ của nước này trong bối cảnh quan hệ hai miền Triều Tiên đang được cải thiện trong thời gian gần đây.