Mỹ sẽ chia sẻ 80 triệu liều vaccine Covid-19 cho thế giới như thế nào?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải tìm cách phân phối vaccine sao cho cân bằng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích toàn cầu.

Hồi tháng 4, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch chia sẻ hàng triệu liều vaccine chống Covid-19 cho các nước khác. Sau 5 tuần, nhiều quốc gia vẫn chờ đợi động thái từ phía Mỹ, theo AP.

Với Tổng thống Mỹ Joe Biden, vaccine chống Covid-19 là "vũ khí" đắc lực ở thời hiện đại. Nó vừa có khả năng lôi kéo các đối tác tiềm năng, vừa là chế phẩm thiết yếu với người dân trên toàn cầu.

Giờ đây, chính quyền Biden phải tìm cách phân phối vaccine sao cho cân bằng giữa lợi ích quốc gia và lợi ích toàn cầu. Sẽ có bao nhiều liều vaccine được chuyển đến những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và bao nhiêu liều vaccine dành cho các đối tác của Mỹ?

Tỷ lệ phân phối

Quy mô kho dự trữ vaccine của Mỹ ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy đặc quyền toàn cầu của nước này.

Đến nay, chính quyền Mỹ dự định cung cấp phần lớn vaccine cho chương trình COVAX nhằm hỗ trợ các nước có thu nhập thấp. Chưa có số liệu cụ thể song quyết định này của Mỹ sẽ đẩy nhanh nỗ lực phân phối vaccine trên toàn cầu.

Ngoài ra, Mỹ cũng cân nhắc dành khoảng 1/4 số vaccine để chủ động phân phối. Nhiều quốc gia đã yêu cầu Mỹ hỗ trợ nguồn cung vaccine. Song đến nay chỉ có Mexico và Canada đã nhận được tổng cộng 4,5 triệu liều.

Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ Mỹ đang hoàn thiện kế hoạch phân phối vaccine. Đây cũng là chủ đề trong các cuộc tranh luận của chính phủ liên bang.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong một sự kiện. Ảnh: AP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong một sự kiện. Ảnh: AP.

"Quốc gia của chúng tôi sẽ trở thành kho dự trữ vaccine cho phần còn lại của thế giới", Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố vào ngày 17/5. So sánh Mỹ với Nga và Trung Quốc, ông Biden khẳng định: “Chúng tôi sẽ không lợi dụng vaccine để tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước khác”.

Dù vậy, Mỹ mới công bố kế hoạch chia sẻ vaccine với chính phủ Hàn Quốc, nhằm phục vụ chương trình tiêm chủng cho 550.000 binh sĩ. Điều này cho thấy Mỹ sử dụng vaccine để mang lại lợi ích cho đồng minh, dù chưa rõ phía Hàn Quốc có phải trả tiền hay không.

Quản trị viên Samantha Power từ USAID đề cập đến kế hoạch phân phối vaccine trong một cuộc họp ở Điện Capitol hồi tuần trước.

Trước Ủy ban Chiếm dụng Thượng viện, bà Power nói: “75% kho vaccine được chia sẻ cho thế giới thông qua chương trình COVAX. Khoảng 25% còn lại sẽ được dự trữ để triển khai các mối quan hệ song phương”.

Nhiệm vụ đầy thách thức

Giới chức từng cảnh báo ông Biden chưa phê duyệt bất kỳ tỷ lệ phân phối nào, và những con số này có thể thay đổi trong tương lai. Một quan chức giấu tên cho biết chính quyền Biden sẽ sớm cung cấp thông tin cụ thể cho các tổ chức chia sẻ vaccine trên toàn cầu.

Đến nay, ông Biden đã cam kết cung cấp 60 triệu liều vaccine Astra Zeneca cho các quốc gia khác.

Loại vaccine này chưa được phê duyệt để sử dụng ở Mỹ, song đã được chấp thuận rộng rãi trên khắp thế giới. Sau công đoạn sản xuất và đánh giá mức độ an toàn, những liều vaccine này sẽ được vận chuyển đến quốc gia tiếp nhận.

Tổng thống Mỹ cũng hứa chia sẻ thêm 20 triệu liều vaccine từ các nhà sản xuất Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Trong tháng tới, Mỹ dự kiến cung cấp thêm nhiều vaccine cho các nước khác.

“Đây là nhiệm vụ đầy thách thức vì nhiều quốc gia đang rất cần vaccine”, bà Power bình luận về kế hoạch phân phối vaccine của Mỹ.

Bà cho rằng quyết định cuối cùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm “mối quan hệ với các quốc gia, sức khỏe cộng đồng, các nghiên cứu về Covid-19, cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp nhận của các quốc gia”.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden được tiêm vaccine chống Covid-19. Ảnh: AP.

Tổng thống Mỹ Joe Biden được tiêm vaccine chống Covid-19. Ảnh: AP.

Việc Mỹ giao phần lớn vaccine dự trữ cho COVAX được coi là cách công bằng nhất để xác định quốc gia tiếp nhận. Động thái này cũng giúp ông Biden tránh nhiều hệ quả về mặt chính trị, trong trường hợp Mỹ trực tiếp chia sẻ vaccine với các quốc gia đang cạnh tranh.

Ông Tom Hart, quyền giám đốc điều hành của ONE Campaign, cho biết: “Việc làm này không chỉ đại diện cho các giá trị của Mỹ, mà còn là chính sách y tế toàn cầu thông minh”.

“Thế giới sẽ biết nguồn cung vaccine đến từ đâu, ngay cả khi COVAX là bên trực tiếp phân phối”, Bà Power khẳng định trước các thượng nghị sĩ. “Mọi người đều biết những chế phẩm này là thành quả nghiên cứu của người Mỹ, là sự hào phóng của nước Mỹ”.

Đến nay, cả thế giới có hơn 3,5 triệu ca tử vong vì Covid-19. Trong đó, Mỹ là quốc gia có số liệu thương vong cao nhất, với hơn 594.000 bệnh nhân tử vong.

Tại nước này, hơn 50% tổng dân số đã được tiêm liều vaccine đầu tiên, trong khi hơn 135 triệu người đã hoàn thành liệu trình tiêm chủng. Chương trình vaccine giúp Mỹ giảm thiểu số ca tử vong xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Tính đến ngày 2/6, thế giới ghi nhận 171,9 triệu ca mắc và 3,5 triệu ca tử vong vì Covid-19, dẫn số liệu từ Worldometers.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-se-chia-se-80-trieu-lieu-vaccine-covid-19-cho-the-gioi-nhu-the-nao-post1222392.html