Cú lội ngược dòng của phe cánh tả ở Pháp
Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng hai đã chứng kiến cú lội ngược dòng ngoạn mục khi liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) giành chiến thắng, bất chấp các dự đoán về sự trỗi dậy của phe cực hữu.
Sự trở lại của đảng cánh tả
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới dự kiến sẽ giành được từ 172 đến 192 ghế, trong khi liên minh trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron sẽ nhận được từ 150 đến 170 ghế. Đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu, dù dẫn đầu ở vòng đầu tiên, đã tụt xuống vị trí thứ ba, giành được từ 132 đến 152 ghế.
Một tháng trước, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới không tồn tại. Liên minh theo đường lối cánh tả này mới được thành lập chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi một cuộc bầu cử Quốc hội sớm, sau thất bại đáng thất vọng của đảng trung dung trước Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng trước.
Vì thế, NFP đã lựa chọn tên gọi với mục đích hồi sinh mặt trận ngăn chặn phe cực hữu giành quyền lực vào năm 1936. Nếu kết quả kiểm phiếu vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội Pháp được xác nhận, NFP đã đi đúng mục tiêu và thành công một lần nữa.
Đảng Tập hợp Quốc gia sẽ không thể đạt được đa số tuyệt đối như các nhà bình luận dự đoán cách đây một tuần. Trên thực tế, nó hoàn toàn ngược lại. Đó là một sự thở phào nhẹ nhõm đối với đại đa số người dân Pháp, những người yêu nước và ủng hộ nền cộng hòa.
Ông Jean - Luc Melenchon - Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới.
Mặt trận Bình dân Mới (NFP) được hình thành từ một số đảng: đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất, đảng Xã hội theo đường lối ôn hòa, đảng Sinh thái, đảng Cộng sản Pháp, đảng trung tả Place Publique và các đảng nhỏ khác.
Vì NFP là tập hợp của nhiều đảng và thành lập trong khoảng thời gian ngắn, nên thay vì cùng nhau ăn mừng chiến thắng, mỗi đảng trong liên minh này lại tổ chức ăn mừng kết quả theo cách riêng.
Về chính sách đối ngoại, Mặt trận Bình dân Mới (NFP) cam kết “ngay lập tức công nhận” một nhà nước Palestine và sẽ thúc đẩy Israel - Hamas ngừng bắn ở Gaza. NFP cũng hứa sẽ tăng mức lương tối thiểu hàng tháng lên 1.600 Euro (hơn 1.700 USD), đặt ra mức trần tăng giá điện và thực phẩm thiết yếu, đồng thời loại bỏ các cải cách lương hưu không được lòng dân của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron.
Trước chiến thắng của liên minh Mặt Trận Bình dân Mới, lãnh đạo Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia Jordan Bardella chỉ trích phe trung dung của Tổng thống Pháp Macron đã trao lại quyền lực cho phe cánh tả.
Thất bại nằm ngoài mọi dự đoán của phe cực hữu cho thấy chiến lược rút lui chiến thuật của “Mặt trận Cộng hòa” - do liên minh Mặt trận Bình dân Mới và phe trung dung của Tổng thống Macron thiết lập sau vòng đầu tiên của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp - đã phát huy hiệu quả.
Các thông điệp và hướng dẫn bầu cử của các đảng này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cử tri. Trước đó, nếu liên minh Mặt trận Bình dân Mới rút 130 ứng cử viên, thì liên minh Cùng nhau của Tổng thống Macron đã rút 80 người khỏi các khu vực bầu cử mà phe cực hữu có ưu thế nhất để tạo cơ hội ghi thêm điểm cho các đảng còn lại.
Mặt khác, theo giới phân tích, tuy thất bại, nhưng với số ghế giành được, liên minh của Tổng thống Macron vẫn được hưởng lợi lớn từ Mặt trận Cộng hòa. Vị trí thứ hai đủ để đảm bảo cho phe này trở thành lực lượng không thể bỏ qua trong bất cứ cuộc đàm phán chính trị nào.
Tỷ lệ người dân Pháp tham gia vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội tiếp tục được duy trì ở mức cao với 67,5%.
Ai sẽ là Thủ tướng tiếp theo của nước Pháp?
Thắng lợi hoàn toàn bất ngờ trong cuộc bầu cử vòng hai đã giúp Mặt trận Bình dân Mới vươn lên trở thành lực lượng chính trị lớn nhất tại Quốc hội Pháp, trong khi phe cực hữu không còn cơ hội nắm chính phủ.
Tuy nhiên, các diễn biến xảy ra tiếp theo trên chính trường Pháp vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ. Bởi trên thực tế, dù thông lệ quy định rằng người đứng đầu chính phủ phải được lựa chọn từ lực lượng chính trị hoặc liên minh mạnh nhất, nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Tổng thống Pháp - ông Emmanuel Macron, người không bị ràng buộc về mặt pháp lý trong kết quả bầu cử vừa qua.
Trong chiến dịch tranh cử, Mặt trận Bình dân Mới (NFP) đã lựa chọn tranh cử mà không có một người đứng đầu cụ thể, khác với Đảng Tập hợp Quốc gia do Chủ tịch Jordan Bardella đứng đầu và liên minh trung dung do Thủ tướng sắp mãn nhiệm Gabriel Attal lãnh đạo.
Giờ đây, sau khi giành chiến thắng, hàng chục nghị sĩ cánh tả mới đắc cử đều có khả năng sẽ ghi tên mình vào cuộc đua cho chiếc ghế Thủ tướng. Hai lực lượng chính trong liên minh Mặt trận Bình dân Mới là đảng Nước Pháp Bất khuất và đảng Xã hội, được cho là sẽ có ảnh hưởng lớn nhất trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Cụ thể, đảng Nước Pháp Bất khuất của ông Jean - Luc Melenchon được dự đoán sẽ giành được nhiều ghế nhất, với khoảng 80 ghế. Sức mạnh của họ trong Quốc hội, kết hợp với sự thể hiện mạnh mẽ của ông Melenchon trong hai cuộc bầu cử tổng thống gần đây, đang làm dấy lên nhiều đồn đoán rằng người đứng đầu chính phủ tương lai phải xuất thân từ đảng này.
Nếu đảng Nước Pháp Bất khuất được lựa chọn, vị trí Thủ tướng rõ ràng sẽ dành cho ông Melenchon. Tuy nhiên, cách tiếp cận gây chia rẽ về chính trị và lập trường cứng rắn của chính trị gia 72 tuổi này đối với các vấn đề từ kinh tế đến xung đột ở Gaza đã khiến ông nhiều lần bị những cử tri ôn hòa chỉ trích và quay lưng.
Về phần mình, ông Jean - Luc Melenchon cho biết ông sẽ không đặt mình vào vai trò lãnh đạo. Tờ báo Mỹ Politico đã đưa ra một số cái tên khác mà đảng Nước Pháp Bất khuất có thể lựa chọn thay thế ông Melenchon bao gồm điều phối viên Manuel Bompard hay lãnh đạo của đảng này tại Quốc hội Pháp là bà Mathilde Panot.
Ngay khi chúng tôi lên nắm quyền, chúng tôi sẽ quyết định các biện pháp đóng băng giá cả về lương thực và năng lượng để khôi phục sức mua cho người dân Pháp. Chúng tôi cũng sẽ hành động ngay lập tức để thiết lập vị thế cho Pháp trên trường quốc tế, bằng cách hỗ trợ Ukraine, tìm kiếm các biện pháp để giải quyết xung đột ở Gaza.
Ông Manuel Bompard - thành viên đảng Nước Pháp Bất khuất.
Đối thủ cạnh tranh chiếc ghế Thủ tướng với đảng Nước Pháp Bất khuất có thể đến từ đảng Xã hội Pháp. Mặc dù đạt thành tích rất nhỏ nhoi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, nhưng từ đó đến nay, đảng này đã từng bước khẳng định tên tuổi, đỉnh điểm là kết quả tích cực trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu với gần 14% số phiếu bầu, đứng đầu trong số các lực lượng cánh tả.
Trong vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, đảng Xã hội dù có ít nghị sĩ hơn đảng Nước Pháp Bất khuất, nhưng đã tăng cường sự hiện diện của họ trong Quốc hội. Theo các nhà phân tích, đảng Xã hội Pháp có thể nhận được sự hỗ trợ từ đảng Sinh thái trong nỗ lực ngăn chặn đảng Nước Pháp Bất khuất nắm quyền kiểm soát.
Các ứng cử viên tiềm năng có thể đến từ thế hệ các nhà dân chủ xã hội mới, bao gồm lãnh đạo đảng Xã hội - ông Olivier Faure, hoặc nghị sĩ Nghị viện châu Âu Raphael Glucksmann. Ngoài ra, không loại trừ khả năng cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng có thể nhập cuộc.
Hiến pháp của Cộng hòa Pháp quy định rằng tổng thống có quyền lựa chọn thủ tướng mà không cần tham vấn hoặc có sự nhất trí của các nghị sĩ. Dù vậy để có được sự ủng hộ và tránh các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khi đưa ra các quyết sách hay dự luật, thủ tướng cần có sự hậu thuẫn của đa số tại Quốc hội.
Điện Elysee cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ chờ đợi cơ cấu của Quốc hội mới và liên minh đa số mới được hình thành để xác định người sẽ đứng ra thành lập chính phủ. Hiện Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã nộp đơn xin từ chức và tuyên bố sẽ thực hiện chức trách tới khi nào cần thiết.
Kịch bản cộng sinh chính trị khó khăn
Có thể thấy nước Pháp đang phải đối mặt với tình thế chưa từng có thời kỳ nền Cộng hòa đệ ngũ vì những chia rẽ chính trị dẫn đến việc không chính đảng nào giành được đa số tại Quốc hội để tự đứng ra thành lập chính phủ.
Đáng chú ý, ba khối lớn trong Quốc hội Pháp không chỉ khác biệt về đường lối và truyền thống làm việc, mà còn bởi có số ghế không chênh lệch nhau quá nhiều. Các yếu tố này được dự báo sẽ khiến quá trình thành lập chính phủ mới kéo dài, thậm chí làm tê liệt cả nước Pháp.
Các nhà phân tích chính trị đã cảnh báo về một số kịch bản chính trị có thể xảy ra sau kết quả vòng hai bầu cử Quốc hội Pháp.
Với số ghế đạt được ít hơn nhiều so với kỳ bầu cử trước, phe đa số của Tổng thống Macron đã chính thức trở thành phe thiểu số. Nhiệm vụ cấp bách của Tổng thống Macron là phải nhanh chóng quên đi thất bại này do chính mình gây ra để giải quyết một bài toán hóc búa là kế hoạch “cộng sinh chính trị” như thế nào trong những tháng tới.
Cho đến nay, giới quan sát vẫn chưa biết Tổng thống Macron sẽ lựa chọn giải pháp nào, nhưng chắc chắn rằng mọi kịch bản đều không dễ dàng đối với ông.
Theo giới quan sát, một trong những kịch bản tiềm năng nhất là thành lập một “chính phủ cầu vồng”, gồm nhiều sắc thái chính trị như thường thấy tại Bỉ, trên cơ sở một Quốc hội đa nguyên.
Tổng thống Macron có thể chỉ định một nhân vật đủ uy tín, trong trường hợp này là người của cánh tả, đứng ra xây dựng một liên minh giữ đa số tuyệt đối, với sự góp mặt của “một phần cánh tả, một phần cánh hữu và các đại biểu thuộc phe của Tổng thống”.
Nhưng giải pháp tình thế này không dễ trở thành hiện thực do sẽ vấp phải sự phản đối của đảng cánh tả Nước Pháp Bất khuất và đảng Sinh thái.
Đánh giá tình thế hiện nay, ông Jean - Luc Melenchon cho rằng: “Thất bại của phe Tổng thống Macron là không thể thay đổi và ông ấy không thể lảng tránh bằng mọi cách. Thủ tướng phải ra đi và có nghĩa vụ kêu gọi Mặt trận Bình dân Mới điều hành chính phủ. Và Mặt trận Bình dân Mới sẽ áp dụng toàn bộ chương trình nghị sự của mình”.
Một trong những điều kiện tham gia bất cứ liên minh nào của đảng Nước Pháp Bất khuất và đảng Xã hội Pháp là phải giữ nguyên chương trình hành động của Mặt trận Bình dân Mới, trong đó có việc bãi bỏ cải cách hưu trí mà Tổng thống Macron đã phải rất khó khăn mới đạt được năm 2023.
Nếu mục tiêu thành lập “chính phủ cầu vồng” như ý tưởng của Tổng thống Macron không thể trở thành hiện thực, ông có thể nghĩ tới việc thành lập một chính phủ kỹ trị như một phương án tối thiểu. Đó sẽ là một nhóm gồm các học giả, chuyên gia và công chức cấp cao, không liên quan đến bất kỳ đảng phái chính trị nào, làm việc dưới sự điều hành của một nhân vật được đề cử vào Phủ Thủ tướng theo nguyên tắc đồng thuận, giống như một chính phủ tại Italia năm 2021 – 2022 do cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi lãnh đạo.
Các bộ trưởng trong chính phủ kỹ trị sẽ được quyền bỏ phiếu về ngân sách. Tuy nhiên, với một chính phủ kỹ trị, Tổng thống Macron sẽ phải chấp nhận từ bỏ các tham vọng cải cách mà ông muốn hoàn thành trong phần còn lại của nhiệm kỳ thứ hai, mà nổi bật là dự án cải cách hưu trí và Luật nhập cư.
Như vậy, theo các nhà quan sát, nhiều khả năng Tổng thống Macron sẽ lựa chọn chung sống với một phần cánh tả, gồm các đại biểu của đảng Xã hội, đảng Sinh thái và có thể cả các đại biểu của đảng Cộng sản vì đảng Nước Pháp Bất khuất đã loại trừ mọi ý tưởng làm việc với ông.
Trong trường hợp này, Thủ tướng tiếp theo sẽ là người thuộc cánh tả, nhưng với điều kiện Mặt trận Bình dân Mới cần tìm ra một chính trị gia có cá tính đủ mạnh để tập hợp được phe trung dung và cánh hữu lại với nhau.
Thất bại bất ngờ của đảng Tập hợp Quốc gia và các đồng minh đã giúp Tổng thống Emmanel Macron loại trừ được kịch bản tồi tệ nhất, đó là việc phe cực hữu của bà Le Pen giành chiến thắng. Nhưng việc phải chung sống với cánh tả cũng là điều trớ trêu đối với Tổng thống Macron để theo đuổi chương trình nghị sự chính trị trong ba năm còn lại của nhiệm kỳ.
Theo kế hoạch, phiên họp đầu tiên của Quốc hội Pháp khóa mới sẽ diễn ra vào ngày 18/7 tới, và quyết định đang nằm trong tay nhà lãnh đạo Pháp.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/cu-loi-nguoc-dong-cua-phe-canh-ta-o-phap-250213.htm