Mỹ sẽ sa thải gần như toàn bộ 10.000 nhân viên USAID?
Ngày 7/2, hãng tin Reuters cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump có kế hoạch chỉ giữ lại chưa đến 300 nhân sự tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) trong tổng số hơn 10.000 nhân viên trên toàn thế giới.
Theo các nguồn tin của Reuters, cụ thể trong tổng số hơn 10.000 nhân sự của USAID, chỉ có 294 nhân viên được giữ lại làm việc, bao gồm 12 người ở văn phòng châu Phi và 8 người ở văn phòng châu Á.
Điều này đồng nghĩa cứ 100 nhân viên thì có khoảng 97 người sẽ bị sa thải khỏi cơ quan viện trợ nhân đạo của Mỹ.
"Thật vô lý, rất nhiều người sẽ không được hỗ trợ", ông J. Brian Atwood, từng giữ chức Giám đốc USAID từ năm 1993-1999, nói và khẳng định việc sa thải hàng loạt nhân sự sẽ làm sụp đổ một cơ quan đã hỗ trợ để cứu sống hàng chục triệu người trên thế giới.
Trước đó vào ngày 4/2, chính quyền Mỹ đã thông báo cho tất cả nhân viên USAID trên toàn cầu nghỉ phép và triệu hồi hàng nghìn nhân sự về nước, ngoại trừ những nhân viên được chỉ định chịu trách nhiệm những hạng mục việc quan trọng, lãnh đạo chủ chốt của cơ quan hoặc các chương trình đặc biệt khác.
Hàng loạt đơn vị, tổ chức, đối tác của USAID phải dừng hoạt động hoặc hoạt động trong tình trạng khó khăn về tài chính. Các chương trình nhân đạo toàn cầu của USAID cũng bị ảnh hưởng, nhiều hoạt động phải tạm dừng trong tình thế bấp bênh.
Đến nay, nhiều nhân sự USAID đã bắt đầu nhận được thông báo sa thải.
Theo hãng tin Reuters, động thái này làm đảo lộn cuộc sống của gia đình hàng nghìn nhân viên USAID, đe dọa nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ngăn ngừa thảm họa nhân đạo và xóa đói giảm nghèo.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết chính quyền đang xác định cụ thể những chương trình tiếp tục được tài trợ hoạt động trong lúc tạm dừng làm việc, cải tổ USAID.
USAID là cơ quan viện trợ nhân đạo quan trọng của Washington D.C, nhưng đã trở thành mục tiêu trong kế hoạch tinh giản bộ máy, tái cấu trúc hệ thống chính phủ do tỷ phú Mỹ Elon Musk, người đứng đầu cơ quan hỗ trợ tinh gọn bộ máy nhà nước DOGE, chủ trì.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị cho ông Elon Musk tìm cách tinh gọn quy mô của USAID và mới nhất, ông Musk thẳng thừng lên tiếng chỉ trích USAID là tổ chức tội phạm.
Theo báo cáo từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS), USAID hiện có khoảng hơn 10.000 nhân viên, 2/3 trong số này đang làm việc ở nước ngoài tại 60 văn phòng ở nhiều quốc gia và khu vực.
Hồi đầu tuần, trả lời báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thông tin, ông đang nắm tạm quyền lãnh đạo USAID đồng thời chỉ trích các nhân viên của USAID không đủ năng lực để trả lời các câu hỏi cơ bản liên quan đến các chương trình của USAID.
Trong thư gửi Quốc hội liên quan đến việc tái cấu trúc USAID, ông Rubio thông báo một vài bộ phận của USAID có thể sẽ được sáp nhập vào Bộ Ngoại giao, số còn lại có thể bị xóa bỏ.
Tuy nhiên, không rõ liệu USAID có thể sáp nhập vào Bộ Ngoại giao hay không bởi cơ quan này được thành lập và được tài trợ dựa trên các văn bản luật vẫn còn hiệu lực.
Mỹ là nước chi tiêu lớn nhất thế giới cho phát triển quốc tế. Theo dữ liệu của chính phủ, Mỹ đã chi 68 tỷ USD cho viện trợ quốc tế vào năm 2023, phần lớn được chi ở châu Á, châu Phi cận Sahara và châu Âu (chủ yếu cho các nỗ lực nhân đạo ở Ukraine).
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) là cơ quan của chính phủ Mỹ, hỗ trợ các quốc gia đang có xung đột và các quốc gia có tầm quan trọng chiến lược qua hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, bệnh tật và giải quyết nhiều vấn đề khác, theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội.
USAID được Tổng thống Mỹ John F. Kennedy thành lập vào năm 1961 với tư cách là một cơ quan độc lập với hai mục tiêu: chống lại ảnh hưởng của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và điều hành nhiều chương trình viện trợ nước ngoài khác nhau, dựa trên ý tưởng an ninh của Mỹ gắn liền với sự ổn định và tiến bộ kinh tế ở các quốc gia khác.
Hiện USAID có hơn 10.000 người nhân viên, trong đó khoảng 2/3 nhân sự làm việc ở nước ngoài.
Trong năm tài chính 2023, USAID được phân bổ 40 tỷ USD, chiếm chưa đến 1% ngân sách liên bang Mỹ, cung cấp hỗ trợ cho khoảng 130 quốc gia và Ukraine là một trong 10 quốc gia nhận được nhiều hỗ trợ nhất, tiếp theo là Ethiopia, Jordan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Somalia, Yemen và Afghanistan.