'Mỹ sẽ thắt chặt hơn nữa hạn chế xuất khẩu công nghệ với Trung Quốc chứ không giảm bớt'
Mỹ sẽ khó nới lỏng hạn chế xuất khẩu công nghệ với Trung Quốc, do lo ngại về an ninh quốc gia dù những cuộc đàm phán cấp cao giữa hai nước gần đây đã được nối lại, khi một số hãng chip hàng đầu Mỹ thúc giục chính quyền Biden ngừng thắt chặt các biện pháp.
Antony Blinken (Ngoại trưởng Mỹ) đã gặp giám đốc điều hành các hãng chip Mỹ như Intel, Qualcomm và Nvidia hôm 17.7 để thảo luận về các vấn đề chuỗi cung ứng và các hạn chế của Trung Quốc việc xuất khẩu germanium và gallium, hai kim loại được sử dụng để sản xuất chip, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Các nguồn tin cho biết Gina Raimondo (Bộ trưởng Thương mại Mỹ), Lael Brainard (Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia), Jake Sullivan (Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ) cũng tham gia cuộc họp này.
Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn (tổ chức thương mại và nhóm vận động hành lang có trụ sở tại Washington) đã thúc giục chính quyền Biden tránh áp đặt thêm các hạn chế với Trung Quốc và cho phép ngành này tiếp tục tiếp cận thị trường thương mại lớn nhất thế giới về chất bán dẫn.
Ngành công nghiệp chip Mỹ rất muốn bảo vệ lợi nhuận của mình ở Trung Quốc khi chính quyền Biden xem xét một vòng hạn chế khác với xuất khẩu chip sang quốc gia châu Á.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, Trung Quốc vào năm 2022 chiếm 180 tỉ USD trong việc mua chất bán dẫn, hơn 1/3 trong tổng số 555,9 tỉ USD trên toàn cầu và là thị trường đơn lẻ lớn nhất.
Nvidia, Qualcomm và Intel đều có những giao dịch quan trọng liên quan đến Trung Quốc. Qualcomm là công ty duy nhất có giấp phép từ các cơ quan quản lý Mỹ để bán chip ĐTDĐ cho Huawei.
Nvidia đang bán A800, phiên bản giảm hiệu suất của các dòng GPU chủ lực A100 và H100, cho thị trường Trung Quốc và thu hút sự chú ý của các công ty lớn nước này. Pat Gelsinger - Giám đốc điều hành Intel tuần trước đã tới Trung Quốc để giới thiệu chip trí tuệ nhân tạo (AI_ mới của hãng là Gaudi2.
Pat Gelsinger coi Trung Quốc là khu vực bán hàng lớn nhất của mình. 27% doanh thu Intel đến từ Trung Quốc vào năm 2022.
Cristiano Amon, Giám đốc điều hành Qualcomm, nói hơn 60% doanh thu công ty đến từ Trung Quốc nhờ cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất smarphone, điển hình là Xiaomi.
Với Nvidia, do nhà đồng sáng lập Jensen Huang điều hành, Trung Quốc mang lại khoảng 1/5 doanh thu.
Nick Marro, nhà phân tích hàng đầu về thương mại toàn cầu tại công ty Economist Intelligence Unit, nhận định: “Chính quyền Biden, giống như chính quyền Trump trước đó, đang biện minh cho những biện pháp kiểm soát này dựa trên cơ sở an ninh quốc gia”, đồng thời nói thêm rằng các công ty chip Mỹ đang đối mặt với “nhiệm vụ khó khăn”.
“Lý do cơ bản đó sẽ luôn khiến các công ty khó phản đối, đặc biệt là trong những ngày này, khi những lo ngại của Mỹ về thương mại, công nghệ và Đài Loan ngày càng định hình hướng đi xuống trong quan hệ Mỹ - Trung”, Nick Marro cho hay.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần đây đã bắt đầu lại các cuộc đàm phán song phương, với các chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Antony Blinken, Janet Yellen (Bộ trưởng Tài chính Mỹ) và John Kerry (đặc phái viên của của Mỹ về biến đổi khí hậu).
Bắc Kinh cũng sẵn sàng chào đón chuyến thăm của Gina Raimondo, người giám sát các vấn đề thương mại liên quan đến Trung Quốc, gồm cả việc kiểm soát xuất khẩu các công nghệ đến Trung Quốc vốn đã làm căng thẳng quan hệ song phương.
Mối quan tâm chính với các công ty bán dẫn trong các cuộc đàm phán song phương mới nhất là Mỹ sẽ tiếp tục ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến đến mức nào, gồm cả việc kiểm soát xuất khẩu hơn nữa để hạn chế bán một số chip AI cho quốc gia châu Á.
Mỹ cũng đang cân nhắc các hạn chế đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc, bao gồm chip, AI và điện toán lượng tử.
Nick Marro cho biết những nỗ lực của Mỹ nhằm thuyết phục Nhật Bản, Hà Lan và các nước khác áp đặt các hạn chế xuất khẩu tương tự với Trung Quốc phản ánh những lo ngại rằng các biện pháp hiện tại không đủ để cản trở việc tiếp cận một số loại chip tiên tiến.
Nick Marro nói thêm: “Hướng đi của Mỹ là thắt chặt hơn nữa chứ không giảm bớt”.
Vào tháng 10.2022, Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã ban hành một bộ quy tắc sâu rộng nhằm đóng băng ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, trong khi Mỹ rót hàng tỉ USD trợ cấp cho ngành công nghiệp bán dẫn của mình.
Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn cũng kêu gọi chính phủ hai bên xoa dịu căng thẳng và tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại, không leo thang thêm.
“Các hành động của chúng tôi đã được điều chỉnh cẩn thận để tập trung vào công nghệ có liên quan đến an ninh quốc gia và được thiết kế để đảm bảo rằng các công nghệ của Mỹ cùng đồng minh không được sử dụng để làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng tôi”, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết, theo hãng tin Reuters.
Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố hạn chế xuất khẩu với germanium và gallium từ đầu tháng 8 để bảo vệ “an ninh và lợi ích quốc gia”, một động thái được coi là trả đũa các lệnh trừng phạt do Mỹ khởi xướng với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc.
Trung Quốc là nước sản xuất gallium và germanium lớn nhất thế giới. Trung Quốc sản xuất 60% germanium và 80% gallium toàn cầu, dựa trên dữ liệu từ Liên minh Nguyên liệu thô quan trọng (Critical Raw Materials Alliance).
Gallium được dùng trong thiết bị liên lạc vô tuyến, radar, vệ tinh, đèn LED cho đến cục sạc ĐTDĐ. Gallium ở dạng nguyên chất có thể tan chảy trong tay của bạn nhưng không được nhiều người biết đến. Trong một số hợp chất, gallium trở thành vật liệu đáng mơ ước cho chất bán dẫn.
Germanium được sử dụng trong chip máy tính tốc độ cao, nhựa và trong các ứng dụng quân sự như thiết bị nhìn đêm, cảm biến hình ảnh vệ tinh.
Tập đoàn tài chính Macquarie Group cho rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ khó giải quyết các vấn đề cấu trúc trong mối quan hệ song phương, ngay cả khi dự kiến sẽ có nhiều cuộc đàm phán cấp cao hơn.
“Trong tương lai, Mỹ sẽ tiếp tục giảm thiểu rủi ro và Trung Quốc sẽ kiên trì tự cung tự cấp. Lệnh hành pháp được chờ đợi từ lâu nhằm hạn chế đầu tư công nghệ của Mỹ vào Trung Quốc, cũng như hạn chế xuất khẩu chip AI, có thể được triển khai vào cuối năm nay. Sau khi áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với hai kim loại gần đây, Trung Quốc có thể trả đũa bằng các biện pháp khác”, Macquarie Group nhận định.
Hôm 18.7, Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết nước này hy vọng rằng Mỹ sẽ tạo ra một “môi trường thuận lợi cho hợp tác kinh tế và thương mại Trung - Mỹ”.
Mao Ninh cũng nhắc lại sự phản đối của Trung Quốc với việc “Mỹ chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề thương mại và khoa học - công nghệ”.