Mỹ sẽ triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
VOV.VN - Truyền thông Australia hôm nay (13/5) cho biết, trong cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và ASEAN diễn ra tại thủ đô Washington của Mỹ, Mỹ sẽ thông báo về việc triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tờ The Sydney Morning Herald hôm nay cho biết, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo ASEAN đang ở Mỹ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ, Mỹ sẽ công bố khoản chi trị giá 60 triệu USD để đối phó với mối đe dọa về an ninh hàng hải đang nổi lên trong khu vực. Trong đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ sẽ triển khai 1 tàu tới khu vực để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và tham gia các hoạt động hàng hải chung.
Mỹ cũng sẽ tiếp tục chuyển giao các tàu của lực lượng bảo vệ biển đã qua sử dụng cho các nước Đông Nam Á để thúc đẩy Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ cử một đội huấn luyện tới khu vực và cùng phối hợp với đối huấn luyện tại Mỹ để nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải trong khu vực. Không dừng lại ở đó, lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ cũng sẽ giúp các nước giải quyết nạn đánh bắt cá trái phép và cung cấp thêm hỗ trợ để ngăn chặn lao động cưỡng bức.
Ngoài cam kết hỗ trợ việc bảo vệ an ninh hàng hải, Mỹ sẽ công bố sáng kiến mới trị giá 150 triệu USD để hỗ trợ khu vực trong một loạt các vấn đề như hạ tầng cơ sở cho năng lượng sạch, đối tác giáo dục, các chương trình bảo tồn và sức khỏe toàn cầu.
Hội nghị Thượng đỉnh giữa Mỹ và các nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra sau khi Mỹ công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng 2/2022 trong đó khẳng định Mỹ sẽ củng cố vị thế lâu dài trong khu vực thông qua việc xây dựng quan hệ đối tác và liên minh trong khu vực. Mỹ cũng cho biết, sẽ hợp tác nhiều hơn với các tổ chức khu vực, trong đó có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Việc Mỹ đẩy mạnh hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thông qua các khoản vay, viện trợ và sự hiện diện. Gần đây nhất là việc Trung Quốc ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon khiến Mỹ, Australia và New Zealand lo ngại thỏa thuận này sẽ mở đường cho việc Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự tại Solomon, nơi cách Australia chưa đầy 2.000km./.