Mỹ: Số ca COVID-19 giảm 5 tuần liên tiếp

Dù nước Mỹ vừa bước qua dấu mốc đau buồn khi hơn 500.000 người chết vì COVID-19, thế giới đã thấy tia hy vọng cuối đường hầm khi tình hình dịch bệnh đã thuyên giảm thấy rõ ở một số điểm nóng.

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 24/2, thế giới ghi nhận trên 112,6 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 và 2,49 triệu ca tử vong. Số người khỏi bệnh vượt qua mốc 88 triệu.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19 với trên 28,8 triệu ca mắc và hơn 514.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 43.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong tại Mỹ đang có xu hướng giảm liên tiếp trong 5 tuần gần đây. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày Mỹ có hơn 67.000 ca nhiễm mới, giảm 44% so với 2 tuần trước đó. Dù dịch có giảm, các chuyên gia dịch tễ Mỹ đưa ra cảnh báo rằng, biến thể virus mới có thể khiến kế hoạch kiểm soát dịch bị đình trệ và sớm có thêm một đợt bùng phát. Khoảng 1.700 ca nhiễm biến thể mới đã được ghi nhận tại Mỹ.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới - Ấn Độ, tổng cộng trên 11 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm gần 156.600 trường hợp thiệt mạng. Ngày 23/2, Ấn Độ báo cáo hơn 13.400 người nhiễm mới.

Hiện Brazil xác nhận trên 10,2 triệu trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Hơn 247.200 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.

Biến thể ở California có khả năng lây nhiễm nhanh hơn

Hai nghiên cứu mới của Mỹ công bố ngày 23/2 cho thấy biến chủng SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tiên ở bang California hồi tháng 12/2020 có khả năng lây nhiễm nhanh hơn những biến thể ghi nhận trước đó, làm gia tăng quan ngại rằng những biến thể mới có thể khiến số ca mắc vốn đang có chiều hướng giảm lại tăng lên ở Mỹ.

Nhóm nghiên cứu phát hiện biến thể ở California đã lan rất nhanh ở thành phố San Francisco trong 2 tháng qua và hiện tiếp tục lan rộng thêm ở nhiều nơi trong bang. Biến thể này có khả năng sản sinh gấp đôi số phần tử virus trong cơ thể người so với các chủng xuất hiện trước đó đồng thời cũng có thể "né tránh" hệ thống miễn dịch của người cũng như vaccine.

Hiện kết quả của cả 2 dự án nghiên cứu đều chưa chính thức công bố trên ấn phẩm khoa học học thuật và các chuyên gia cũng chưa khẳng định được mức độ đe dọa tới sức khỏe cộng đồng của chủng mới này so với các chủng đã có từ trước.

Trao đổi với tờ New York Times, các chuyên gia cho rằng biến thể ghi nhận ở California cũng đáng quan ngại nhưng có lẽ không bằng chủng B.1.17 tại Anh. Đến nay, biến chủng California, có tên mã hóa là B.1.427 hoặc B.1.429, đã xuất hiện ở 45 bang trên khắp nước Mỹ và một số nơi khác như Australia, Đan Mạch, Mexico và Đài Loan (Trung Quốc), nhưng phổ biến nhất vẫn ở California.

Châu Âu: Gần 800.000 ca tử vong

Châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với hơn 33,3 triệu ca nhiễm và gần 800.000 ca tử vong. Trong khu vực này, Nga có số ca nhiễm cao nhất (4.189.150 ca). Anh ghi nhận số ca nhiễm tương đương Nga (4.126.150 ca) nhưng số ca tử vong cao hơn nhiều (120.757 ca) so với ở Nga là 84.047 ca. Pháp và Tây Ban Nha đều đã có hơn 3,1 triệu ca nhiễm. Italy có số ca nhiễm thấp hơn (2,8 triệu ca) nhưng là nước ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai châu lục với 95.992 ca

Tại Pháp, số bệnh nhân mắc COVID-19 phải điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt đã tăng lên 3.407 người, lần đầu tiên kể từ ngày 3/12/2020, con số này vượt quá 3.400 người. Trong khi đó, số ca nhiễm mới theo ngày trung bình trong một tuần lại tăng lên mức cao nhất trong 17 ngày qua.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo dịch bệnh có xu hướng diễn biến tồi tệ hơn trong những ngày gần đây. Đặc biệt, ngày 23/2, tình trạng y tế tại thành phố Dunkirk đã xấu đi nghiêm trọng khiến Chính phủ Pháp phải cân nhắc áp dụng các biện pháp bổ sung để hạn chế tốc độ lây lan của virus. Trong khi đó, vùng Alpes-Maritimes, gần thành phố Nice ở miền Nam nước Pháp, đã thông báo lệnh phong tỏa một phần trong 2 kỳ nghỉ cuối tuần sắp tới tại khu vực ven biển giữa Menton và Theoule.

Tại CH Czech, Thứ trưởng Bộ Y tế Vladimir Cerny cảnh báo các khu chăm sóc đặc biệt của nước này sắp trở nên quá tải, số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh trong khi thiếu đội ngũ nhân viên y tế có năng lực ngay ở tuyến đầu.

Ngày 23/2, Czech ghi nhận hơn 1.300 bệnh nhân phải điều trị trong các khu chăm sóc đặc biệt, trong đó có 660 người đang phải thở máy. Czech là nước đứng đầu thế giới về tỉ lệ lây nhiễm trên 100.000 dân trong 14 ngày qua. Kể từ khi đại dịch bùng phát, quốc gia 10,7 triệu dân này có hơn 1,16 triệu ca mắc và hơn 19.500 ca tử vong.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/my-so-ca-covid19-giam-5-tuan-lien-tiep/424079.vgp