Mỹ sơ tán nhân viên 'không chủ chốt' khỏi Myanmar, Nhật đình chỉ viện trợ
Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, Tokyo đã đình chỉ cung cấp viện trợ mới cho Myanmar, trong khi đó Mỹ ra lệnh cho các nhân viên ngoại giao không thiết yếu rút khỏi nước này.
Mỹ hôm 30/3 đã ra lệnh các nhân viên ngoại giao “không chủ chốt” rời khỏi Myanmar, trong bối cảnh các cuộc đụng độ giữa người biểu tình phản đối cuộc chính biến và lực lượng quân đội đã khiến hơn 500 người thiệt mạng trong gần 2 tháng qua.
“Những cuộc biểu tình phản đối quân đội đã xảy ra và được cho là sẽ tiếp tục", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong thông báo rút nhân viên hôm 30/3.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay quyết định này được đưa ra "vì an toàn của nhân viên chính phủ Mỹ và thân nhân của họ".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, nước này đã đình chỉ cung cấp viện trợ mới cho Myanmar.
Phát biểu tại một phiên họp Quốc hội Nhật Bản, Ngoại trưởng Motegi cho biết nước này sẽ không lên kế hoạch cho bất kỳ dự án mới nào tại Myanmar. “Nhật Bản là nhà đóng góp hỗ trợ lớn nhất cho Myanmar” - Ngoại trưởng Motegi cho hay, đồng thời lưu ý việc ngừng cung cấp viện trợ cho chính quyền quân sự Myanmar là Tokyo đã gửi một thông điệp "rõ ràng" về sự phản đối cuộc chính biến hôm 1/2.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích cuộc chính biến ở Myanmar hồi đầu tháng trước, đồng thời kêu gọi khôi phục nền dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này. Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ năm tại Myanmar.
Động thái mới nhất của Washington và Tokyo diễn ra trong bối cảnh số người biểu tình thiệt mạng kể từ sau cuộc chính biến hôm 1/2 tại Myanmar đã lên tới hơn 500, làm gia tăng sự quan ngại từ cộng đồng quốc tế.
Biểu tình bùng phát khắp Myanmar sau khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền dân cử, với lý do cáo buộc gian lận bầu cử hồi tháng 11/2020 không được giải quyết. Chính quyền quân sự cũng cam kết trao lại quyền lực cho bên chiến thắng trong một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức.
Lực lượng an ninh Myanmar đã sử dụng hơi cay, đạn cao su và cả đạn thật để trấn áp người biểu tình.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), tính đến ngày 30/3 đã có ít nhất 521 người biểu tình thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kéo dài gần 2 tháng qua. AAPP cho biết, đã có thêm 8 người biểu tình thiệt mạng trong ngày thứ Ba, khi hàng ngàn người dân tiếp tục xuống đường tuần hành tại một số thị trấn lớn.
Cuối tuần trước, quân đội Myanmar đã có cuộc đụng độ dữ dội với các thành viên thuộc nhóm Liên đoàn dân tộc Karen (KNU) ở gần khu vực biên giới giáp với Thái Lan, khiến khoảng 3.000 người chạy sang nước láng giềng này để lánh nạn.
KNU cũng đã bày tỏ ủng hộ phong trào chống cuộc chính biến và kêu gọi quân đội Myanmar dừng hành động bạo lực nhắm vào dân thường tham gia biểu tình.
Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm phản đối cuộc chính biến và việc lực lượng an ninh trấn áp bạo lực đối với người biểu tình.