Mỹ suýt không kích Iran
Tehran cho rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc Washington chấm dứt những hành động bất hợp pháp và gây bất ổn ở vịnh Ba Tư
Giới chức Iran hôm 21-6 cho biết nước này có bằng chứng "không thể chối cãi" về việc máy bay không người lái Mỹ xâm phạm không phận nước này.
Trong cuộc điện đàm với Đại sứ Thụy Sĩ Markus Leitner, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Araqchi cho biết một số mảnh vỡ của máy bay không người lái đã được trục vớt trong lãnh hải Iran. Thụy Sĩ là quốc gia đại diện cho các lợi ích Mỹ tại Iran.
Bộ Ngoại giao Iran nói thêm Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Majid Takht-e Ravanchi cho rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc Mỹ chấm dứt những hành động "bất hợp pháp" và "gây bất ổn" ở vịnh Ba Tư. Cùng ngày, theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami cáo buộc Mỹ đang tìm cách tạo ra "nỗi ám ảnh về Iran" nhằm tìm kiếm sự ủng hộ đối với chính sách chống lại nước này.
Tehran có phản ứng mạnh mẽ như trên sau khi xuất hiện thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho phép tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran nhưng bất ngờ rút lại quyết định vào cuối ngày 20-6 (giờ Washington). Theo tờ The New York Times (Mỹ), các quan chức cho biết ông Trump ban đầu đã phê duyệt kế hoạch tấn công một số mục tiêu của Iran như hệ thống radar, bệ phóng tên lửa trước khi đột ngột đổi ý. Theo kế hoạch, cuộc tấn công diễn ra ngay trước bình minh ở Iran ngày 21-6 để giảm thiểu thiệt hại cho lực lượng quân đội và dân thường nước này.
Hiện chưa rõ liệu Washington có bật đèn xanh cho một hành động quân sự nào chống lại Iran thời gian tới hay không. Tạp chí Time dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Trump cho biết kế hoạch tấn công là đòn đáp trả vụ Iran bắn hạ chiếc máy bay do thám không người lái trị giá 130 triệu USD của Mỹ một ngày trước đó.
Bản thân ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố máy bay không người lái Mỹ đang bay trên vùng biển quốc tế thì bị bắn hạ. Ngoại trưởng Mike Pompeo, Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton và Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel được cho là những người ủng hộ đáp trả Iran bằng hành động quân sự. Ngược lại, các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cảnh báo hành động như vậy có thể làm căng thẳng leo thang nhanh chóng, từ đó đe dọa đến an toàn của các lực lượng Mỹ ở khu vực.
Sự gia tăng nguy cơ xung đột quân sự Mỹ - Iran buộc Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hôm 20-6 ra lệnh cấm máy bay của các hãng hàng không nước này đi vào không phận do Iran kiểm soát trên eo biển Hormuz và vịnh Oman. FAA bày tỏ quan ngại về căng thẳng leo thang và những hoạt động quân sự ở gần các tuyến đường có mật độ cao máy bay dân sự. Bên cạnh đó, cơ quan này còn lo ngại chuyện Iran sẵn sàng sử dụng tên lửa tầm xa trong không phận quốc tế mà không cảnh báo trước. Một số hãng hàng không trên toàn cầu, trong đó có Qantas (Úc), KLM (Hà Lan) và Lufthansa (Đức), cũng điều chỉnh tuyến đường bay tránh khu vực nói trên.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán trên thế giới đã chìm trong sắc đỏ hôm 21-6 giữa lúc giới đầu tư lo ngại về căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Ở chiều ngược lại, giá dầu thô Mỹ đã tăng trong 2 ngày liên tiếp kể từ khi xảy ra vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái Mỹ.
Nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân Iran
Các quan chức Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc, Nga và Iran sẽ nhóm họp ở Vienna - Áo vào ngày 28-6 để bàn cách cứu Thỏa thuận hạt nhân 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA).
Theo thông báo của Liên minh châu Âu (EU) hôm 20-6, cuộc họp này nhằm tìm kiếm phương thức đối phó các thách thức nảy sinh từ việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5-2018 và tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran. Ngoài ra, hội nghị sẽ xem xét "các thông báo gần đây của Iran về việc thực thi các cam kết hạt nhân của nước này" - thông báo của EU cho biết, có ý đề cập chuyện Tehran dọa vượt qua các giới hạn về kho urani được làm giàu trước cuối tháng này. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, bà Federica Mogherini, nhấn mạnh điều quan trọng là thuyết phục Iran tiếp tục tuân thủ hoàn toàn các cam kết của họ.
Theo Reuters, Iran vào tháng rồi tuyên bố sẽ giảm bớt tuân thủ các điều khoản của JCPOA để phản đối động thái rút khỏi thỏa thuận của Washington. Tehran cũng khuyến cáo EU rằng khối này có rất ít thời gian để cứu thỏa thuận hạt nhân giữa lúc lệnh trừng phạt của Mỹ đang phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran và đẩy kinh tế quốc gia Trung Đông này rơi vào khó khăn.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-suyt-khong-kich-iran-2019062121380234.htm