Mỹ tái gia nhập UNESCO với mục tiêu gì?
Giải thích cho việc tái gia nhập Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) sau hơn 5 năm vắng bóng, giới chức Mỹ nhấn mạnh, đây là một trong những mục tiêu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong đó, củng cố vị thế cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc.
Mỹ đã rút khỏi UNESCO vào năm 1984, dưới thời chính quyền Tổng thống Ronald Reagan, sau đó quay trở lại vào năm 2004. Tuy nhiên, mối quan hệ của Chính phủ Mỹ với UNESCO này trở nên căng thẳng vào tháng 10/2011, khi các thành viên của cơ quan này công nhận Palestine là thành viên đầy đủ của tổ chức.
Động thái này đã khiến Washington và đồng minh thân cận là Israel tức giận, đồng thời buộc chính quyền Tổng thống Barack Obama phải ngừng tài trợ cho cơ quan này. Giới chức Mỹ viện dẫn lý do là theo một đạo luật thì nước này không được tài trợ cho bất kỳ cơ quan nào của Liên hợp quốc công nhận tư cách nhà nước của Palestine.
Năm 2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, đất nước của ông rời khỏi UNESCO hoàn toàn với cáo buộc tổ chức này có những chính sách bất công đối với Israel, thiên vị công nhận các địa danh cổ tranh chấp giữa Palestine và Israel. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa phía sau là chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump, không ủng hộ, thậm chí rút khỏi nhiều tổ chức và hiệp định đa phương.
Và lần này, các quan chức Mỹ cho biết, quyết định quay trở lại được thúc đẩy bởi lo ngại rằng Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống mà Washington để lại trong hoạch định chính sách của UNESCO, đặc biệt là trong việc thiết lập các tiêu chuẩn cho trí tuệ nhân tạo (AI) và giáo dục công nghệ trên toàn thế giới.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Quản trị và Tài nguyên Mỹ John Bass, UNESCO đang tích cực thiết lập các tiêu chuẩn cho việc giảng dạy khoa học và công nghệ trên toàn thế giới. "Vì vậy, nếu chúng tôi thực sự nghiêm túc trong cuộc cạnh tranh thời đại kỹ thuật số với Trung Quốc, chúng tôi không thể vắng mặt lâu hơn nữa", ông khẳng định. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng ủng hộ quan điểm này khi nói rằng: "Họ đang nghiên cứu các quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn cho trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi muốn tham gia vào đó".
Đáp lại, Đại sứ Trung Quốc tại UNESCO Dương Tấn bày tỏ quan ngại về khả năng xuất hiện sự "đối đầu và chia rẽ" khi Mỹ tái gia nhập UNESCO. Ông cho rằng, mục đích thúc đẩy Washington tái gia nhập UNESCO là để giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Bắc Kinh, đặc biệt là trong việc thiết lập các quy tắc toàn cầu đối với AI. "Mỹ không nên tạo ra sự đối đầu và chia rẽ, bởi các nước trên thế giới tham gia UNESCO nhằm mục đích tăng cường hợp tác và thúc đẩy hòa bình trên thế giới, chứ không phải để đối đầu hay chống lại ảnh hưởng của một quốc gia cụ thể nào", Đại sứ Dương Tấn nhấn mạnh.
Mỹ đã đứng ngoài quan sát khi Bắc Kinh thể hiện ảnh hưởng của mình thông qua một số phương tiện quyền lực mềm của UNESCO, bao gồm cả Ủy ban Di sản thế giới (Ủy ban). Mặc dù Ủy ban này đảm nhiệm việc chỉ định và bảo vệ các địa danh văn hóa nhưng lại đóng một vai trò rất quan trọng. Quyết định của Ủy ban này có tác động rất lớn đến du lịch và kinh tế, đồng thời có thể gây ra mâu thuẫn khi chỉ định các di sản trong khu vực vốn đang tranh cãi hoặc có tranh chấp.
Ví dụ, năm 2018, quyết định công nhận thành phố cổ Hebron ở Bờ Tây là Di sản Thế giới của Palestine của Ủy ban đã gây ra sự phẫn nộ từ Israel. Và khi Trung Quốc làm Chủ tịch nhiệm kỳ 2021 - 2022, Ủy ban Di sản Thế giới đã khuyến nghị rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier ở Australia nên được đưa vào danh sách "đang gặp nguy hiểm" do bị ảnh hưởng mạnh bởi biến đổi khí hậu và sự nóng lên của các đại dương. Canberra đã ngay lập tức lên tiếng phản đối với lý do nó có nguy cơ khiến đất nước mất hàng nghìn việc làm và để lại một vết lõm lớn trong doanh thu du lịch vốn cực kỳ quan trọng đối với quốc gia này.
Việc Mỹ quay trở lại, với cam kết trả dần khoản nợ hơn 500 triệu USD cũng như những gói tài trợ mới không chỉ giúp cho tổ chức này có thêm ngân sách mà còn tăng cường vai trò, mở rộng các chương trình hoạt động của mình. Mỹ quay trở lại tham gia, thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng là động lực buộc một số nước khác như Anh, Nhật Bản hoặc Brazil trả các khoản đóng góp còn nợ cho UNESCO.
Đối với Mỹ, việc quay trở lại UNESCO cùng với các cam kết mạnh mẽ phục vụ cho chiến lược toàn cầu của chính quyền Tổng thống Biden, củng cố vị thế lãnh đạo và quảng bá cho hình ảnh của nước này. Cụ thể hơn, Mỹ muốn giải quyết các mối quan ngại và đối phó với ảnh hưởng không chỉ của Trung Quốc mà còn các nước lớn khác trong UNESCO nói riêng và các tổ chức quốc tế khác nói chung.
Theo đánh giá của giới chức Mỹ, những gì đang diễn ra tại UNESCO thực sự quan trọng, ví dụ như nghiên cứu quy tắc, chuẩn mực cho trí tuệ nhân tạo, tác động đến sự phân tách thế giới đang gia tăng, góp phần định hình trật tự thế giới thông qua giáo dục, đào tạo trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Hay có thể nói rằng, Mỹ sẽ có thêm nền tảng để củng cố và thúc đẩy cho lợi ích của nước này trong tương lai.
Việc tái gia nhập UNESCO được người đứng đầu Nhà Trắng ca ngợi là một chiến thắng chính trị và ngoại giao khó khăn. Tháng 12/2022, chính quyền của ông đã cố gắng thông qua dự luật chi tiêu liên bang trị giá 1,7 nghìn tỷ USD thông qua Quốc hội Mỹ với sự ủng hộ của lưỡng đảng. Dự luật bao gồm tuyên bố rõ ràng rằng Chính phủ Mỹ sẽ tìm cách tái hợp tác với UNESCO để "chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc".
Dự luật đã phân bổ một khoản nợ hơn 600 triệu USD mà Mỹ chưa nộp cho UNESCO trước khi rút khỏi tổ chức này vào năm 2017. Việc hoàn trả đầy đủ các khoản phí thành viên đã quá hạn hiện cho phép Mỹ trở lại với tư cách là thành viên đầy đủ mà không bị chậm trễ. Tin tức này sẽ mang lại lợi ích tài chính cho UNESCO, tổ chức có ngân sách hoạt động hằng năm là 534 triệu USD. Trước đó, Mỹ đóng góp khoảng 80 triệu USD mỗi năm trước khi rút khỏi tổ chức này.
Mỹ là nước đóng góp nhiều kinh phí cho hoạt động của UNESCO, chính vì vậy mà nhiều nước đã hoan nghênh quyết định của Washington quay trở lại tổ chức này. Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết, việc Mỹ tái gia nhập UNESCO "là thời khắc lịch sử" của tổ chức và "là ngày ý nghĩa đối với chủ nghĩa đa phương". Theo bà, UNESCO đang hoạt động tốt, "song sẽ còn tốt hơn khi Mỹ quay trở lại", đồng thời bày tỏ hy vọng quyết định này sẽ mang lại đóng góp cho cộng đồng quốc tế về giáo dục, văn hóa và khoa học.
Các đại sứ từ nhiều quốc gia thành viên UNESCO khác như Peru, Djibouti và Ba Lan hoan nghênh thông tin Mỹ quay trở lại cơ quan này. Với sự đóng góp tài chính đáng kể của Mỹ, UNESCO hy vọng sự trở lại của Mỹ sẽ giúp tổ chức này xúc tiến nhiều kế hoạch tham vọng hơn, đồng thời tiếp thêm năng lượng cho các chương trình quản lý AI, giáo dục, nhân đạo...
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/my-tai-gia-nhap-unesco-voi-muc-tieu-gi--i698928/