Mỹ tăng cường sức mạnh cho lá chắn phòng thủ tên lửa ở châu Âu

Trung tuần tháng 11, Ba Lan và Mỹ tổ chức khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ tại miền Bắc Ba Lan. Căn cứ này được cho là sẽ nâng cao đáng kể khả năng phòng thủ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước các mối đe dọa ngày càng tăng của tên lửa đạn đạo từ bên ngoài khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.

Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ (USEUCOM) cho biết, căn cứ có tên gọi “Aegis Ashore” nằm gần thị trấn Redzikowo, vùng Pomerania của Ba Lan và nằm dưới sự quản lý của hải quân Mỹ.

Được trang bị hệ thống chống tên lửa, Aegis có thể phát hiện và đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến tầm trung, căn cứ Aegis Ashore là một phần bổ sung trong lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, mà Washington bắt đầu triển khai cách đây 15 năm. Trước đó, dự án căn cứ này được khởi động dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ khi đó là ông George W. Bush nhằm bảo vệ châu Âu chống lại các mối đe dọa tên lửa đạn đạo xuất phát từ bên ngoài khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, đặc biệt là Iran. Sau khi bị chậm tiến độ, việc xây căn cứ được tái khởi động năm 2016 và hoàn thành vào năm 2023.

Ngoài căn cứ Aegis Ashore ở Ba Lan, lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu còn bao gồm một địa điểm khác hoạt động từ năm 2016, tại Deveselu ở Romania, 4 tàu khu trục của Hải quân Mỹ đóng tại Rota (Tây Ban Nha) và 1 radar cảnh báo sớm được triển khai ở Kurecik (Thổ Nhĩ Kỳ). Hiện có khoảng 200 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại hai căn cứ ở Ba Lan và Romania.

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz phát biểu tại lễ khánh thành căn cứ Aegis Ashore ngày 13-11. Ảnh: notesfrompoland.com

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz phát biểu tại lễ khánh thành căn cứ Aegis Ashore ngày 13-11. Ảnh: notesfrompoland.com

Theo trang 20minutes.fr, lễ khánh thành căn cứ Aegis Ashore diễn ra trong bối cảnh Ba Lan và các đồng minh trong khu vực đang theo dõi những chính sách của Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump, người có thể đưa ra những quyết định ảnh hưởng tới cục diện an ninh châu Âu. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan, ông Mark Brzezinski bày tỏ tin tưởng vào việc tiếp tục mối quan hệ đối tác chặt chẽ này giữa Mỹ và Ba Lan cũng như với các nước thành viên NATO.

Mặc dù Mỹ tuyên bố căn cứ Aegis Ashore cũng như một căn cứ tương tự tại Romania chỉ mang tính phòng thủ nhưng Nga vẫn coi đây là mối đe dọa. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, căn cứ phòng thủ tên lửa tại Ba Lan là bước tiến trong việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ tại châu Âu gần biên giới Nga. Moscow sẽ triển khai các biện pháp cần thiết để duy trì sự cân bằng với việc triển khai căn cứ này của NATO.

Mối quan ngại trên của Moscow đã được nhà phân tích Marek Swierczynski từ tổ chức nghiên cứu Polityka Insight xoa dịu khi đưa ra lập luận là căn cứ Aegis Ashore vốn được thiết kế với mục đích đề phòng mối đe dọa từ Iran chứ không phải từ Nga. Vì vậy, ở một mức độ nào đó, đây là “di tích của thời đại trước”.

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), việc Mỹ tăng cường sức mạnh phòng thủ tên lửa ở châu Âu cho thấy, các nước châu Âu là thành viên của NATO vẫn còn phụ thuộc vào Mỹ ở các mức độ khác nhau trong lĩnh vực quân sự. Nghiên cứu của IISS công bố đầu tháng 11 chỉ ra rằng, các nước châu Âu là thành viên của NATO không có đủ nhân lực cũng như khả năng phòng thủ ngay cả khi chi tiêu quốc phòng của họ tăng lên đáng kể trong vài năm trở lại đây.

Chính trong bối cảnh đó, dự án Sáng kiến lá chắn bầu trời châu Âu (ESSI) hay còn gọi là “tấm chắn bầu trời” đã được Đức triển khai vào tháng 8-2022. ESSI hiện có 22 quốc gia tham gia, nhưng không có Pháp và Italy. Sở dĩ hai nước trên chưa tham gia chương trình này là bởi ESSI ưa chuộng một số hệ thống phòng thủ tên lửa không phải của châu Âu, đơn cử như Patriot của Mỹ hay Arrow-3 do Mỹ và Israel hợp tác phát triển, trong khi Pháp và Italy có hệ thống phòng không tầm trung Mamba SAMP/T.

Cách đây vài tuần, Pháp và Italy đã ra mắt hệ thống phòng không SAMP/T NG, là phiên bản mới của Mamba SAMP/T. Bộ Quân đội Pháp phải đặt mua 8 hệ thống SAMP/T NG vào năm 2030 và dự kiến sẽ có 12 hệ thống tương tự hoạt động vào năm 2035. Trong khi đó, Italy đã đặt mua 10 hệ thống SAMP/T NG. Được trang bị tên lửa Aster 30 B1NT mới, hệ thống SAMP/T NG có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung cũng như tên lửa siêu thanh bay với tốc độ hơn Mach 5 (6.000km/giờ)...

Với dự án ESSI, châu Âu hy vọng sẽ có thể tự chủ và không phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ trong lĩnh vực phòng thủ chống lại tên lửa đạn đạo của đối phương.

HÀ PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/my-tang-cuong-suc-manh-cho-la-chan-phong-thu-ten-lua-o-chau-au-803855