Mỹ tăng tốc phát triển lá chắn phòng thủ chống tên lửa siêu thanh từ Nga-Trung

Mỹ đang tiến gần hơn tới việc phát triển Tên lửa đánh chặn thế hệ kế tiếp (NGI) có thể chặn các tên lửa siêu thanh từ Nga và Trung Quốc.

Mỹ đang tiến gần hơn tới việc phát triển Tên lửa đánh chặn thế hệ kế tiếp (NGI) có thể ngăn chặn các tên lửa siêu thanh từ Nga và Trung Quốc.

Theo trang tin The EurAsian Times, bản Đánh giá phòng thủ tên lửa và Chiến lược quốc phòng quốc gia (MDR) của Lầu Năm Góc đã xác định vũ khí siêu thanh và phòng thủ tên lửa trên không là những ưu tiên chính của Mỹ. Với việc tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại nhằm bảo vệ trước các mối đe dọa đang xuất hiện, Mỹ đang phát triển NGI.

Tên lửa siêu thanh Avangard của Nga. Ảnh: RT

Tên lửa siêu thanh Avangard của Nga. Ảnh: RT

Tháng 3-2021, Lầu Năm Góc đã đưa vào danh sách rút gọn các hãng quốc phòng Lockheed Martin và Northrop Grumman để chế tạo một NGI, đồng thời phê duyệt khoản tài trợ ban đầu 1,6 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển.

Ban đầu, Triều Tiên và Iran mà Mỹ gọi là “những quốc gia bất hảo” được xác định là mối đe dọa lớn. Tuy nhiên, MDR năm 2019 lưu ý rằng hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ bảo vệ trong phạm vi khả thi, chống lại một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Mỹ từ bất kỳ nguồn nào, gián tiếp đề cập các mối đe dọa mà Nga và Trung Quốc đặt ra.

NGI là gì?

Tập đoàn Lockheed Martin mô tả NGI là hệ thống vũ khí hiện đại không bao giờ thất bại, có thể nhắm mục tiêu và tiêu diệt nhiều mối đe dọa xuất phát từ một tên lửa duy nhất, thay vì dựa vào nhiều tên lửa đánh chặn để nhắm vào từng mục tiêu.

Lockheed Martin mô tả Tên lửa đánh chặn thế hệ kế tiếp (NGI) là hệ thống vũ khí hiện đại không bao giờ thất bại. Ảnh: Lockheed Martin

Lockheed Martin mô tả Tên lửa đánh chặn thế hệ kế tiếp (NGI) là hệ thống vũ khí hiện đại không bao giờ thất bại. Ảnh: Lockheed Martin

NGI sẽ tích hợp những đổi mới của thế kỷ 21 như công nghệ Phương tiện tiêu diệt hàng loạt (MKV), kỹ thuật số, DevSecOps (phát triển, bảo mật và vận hành), và kiến trúc mô-đun, theo trang web của Lockheed Martin.

NGI dự kiến sẽ thay thế các tên lửa đánh chặn bố trí trên mặt đất hiện có để cung cấp lớp phòng thủ đầu tiên chống lại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). NGI sẽ bảo vệ lục địa Mỹ cũng như tiểu bang Alaska và Hawaii.

Tập đoàn Northrop Grumman đã hợp tác với tập đoàn Raytheon Group chuyên về công nghệ cảm biến, dò tìm và tiêu diệt hàng loạt.

Những nỗ lực trước đó của Mỹ trong việc thay thế Phương tiện tiêu diệt khí quyển (exoatmospheric kill vehicle – EKV) bằng Phương tiện Tiêu diệt được thiết kế lại (Redesigned Kill Vehicle – RKV) đã vô ích khi kế hoạch RKV bị hủy vào năm 2019 do lỗi kỹ thuật.

Vũ khí siêu thanh của Nga và Trung Quốc

Một số chuyên gia khắp thế giới cho rằng cả Nga lẫn Trung Quốc đều dẫn trước Mỹ trong cuộc đua chế tạo vũ khí siêu thanh.

Tên lửa siêu thanh SS-19 Mod 4 Avangard của Nga là một trong sáu hệ thống có khả năng né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa. Quân đội Nga tuyên bố Avangard có thể di chuyển với tốc độ Mach 20 (24.500 km/giờ).

Tháng trước, Nga tiến hành tập trận quân sự với hai tiêm kích MiG-31 được trang bị tên lửa siêu thanh Kinzhal ở biển Địa Trung Hải. Theo quân đội Nga, Kinzhal bay nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh, có tầm bắn lên tới 2.000 km.

Tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga. Ảnh: TWITTER

Tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga. Ảnh: TWITTER

3K22 Tsirkon (còn gọi Zircon) của Nga là một tên lửa hành trình siêu thanh khác, có các biến thể phóng từ trên biển và mặt đất. Hải quân Nga đã thử nghiệm thành công tên lửa Zircon, có khả năng đạt vận tốc Mach 8 (9.800 km/giờ), nhân ngày sinh nhật của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 7-10-2020.

Giải thích về khả năng của tên lửa Zircon, một chuyên gia quân sự viết: “Tên lửa bay bằng nhiên liệu tiên tiến mà người Nga nói cung cấp cho tên lửa tầm bắn tới 1.000 km. Và tên lửa nhanh tới mức áp suất không khí trước vũ khí hình thành nên một đám mây plasma khi nó di chuyển, hấp thụ sóng vô tuyến và khiến nó trên thực tế vô hình trước hệ thống radar đang hoạt động”.

Trung Quốc cũng đang phát triển hệ thống siêu thanh với quỹ đạo dạng tàu lượn. Nước này gần đây tiết lộ phương tiện lượn siêu thanh Dongfeng-17 tại một cuộc duyệt binh.

Trước đó trong năm 2018, Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh Starry Sky-2. Trong quá trình bay, tên lửa bay hơn 400 giây, có khả năng cơ động và duy trì tốc độ Mach 5,5 (6,737 km/giờ).

Mỹ đang dần bắt kịp

Hôm 9-7, Không quân Mỹ lần đầu tiên kích nổ thành công đầu đạn trang bị cho tên lửa siêu thanh AGM-183A. Sự kiện do Phi đoàn Thử nghiệm số 780 đóng tại căn cứ không quân Eglin (bang Florida, Mỹ) tổ chức.

Tên lửa siêu thanh AGM-183A của Mỹ. Ảnh Giancarlo Casem/U.S. Air Force

Tên lửa siêu thanh AGM-183A của Mỹ. Ảnh Giancarlo Casem/U.S. Air Force

Tên lửa AGM-183A, tên chính thức của Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân với vận tốc gấp năm lần tốc độ âm thanh.

Theo trang tin The Drive, trong cuộc thử nghiệm, đầu đạn được đặt trên mặt đất, nằm ở trung tâm vòng tròn được tạo nên từ hàng loạt rào chắn cứng.Điều này giúp thu thập dữ liệu về đầu đạn chẳng hạn như kích cỡ quả cầu lửa và sức nổ, cũng như phạm vi tác động và phân bổ mảnh đạn tạo ra trong vụ nổ. Không quân Mỹ không tiết lộ cuộc thử nghiệm diễn ra tại đâu và cụ thể là khi nào.

Không quân Mỹ không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về cấu tạo hay khả năng của đầu đạn.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/quan-su/my-tang-toc-phat-trien-la-chan-phong-thu-chong-ten-lua-sieu-thanh-tu-ngatrung-1001758.html