Mỹ tạo điều kiện thuận lợi hơn để xóa nợ cho người vay thu nhập thấp
Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo tiếp tục xóa 7,4 tỷ USD nợ sinh viên cho 277.000 người.
Như vậy, đến nay tổng số nợ sinh viên được xóa trong chương trình xóa nợ mà chính quyền Mỹ đang triển khai là 153 tỷ USD dành cho 4,3 triệu người Mỹ, chiếm hơn 9% tổng số nợ sinh viên liên bang chưa thanh toán.
Đợt xóa nợ mới nhất này được thực hiện theo sau những thay đổi gần đây của Bộ Giáo dục Mỹ, cùng với ghi nhận về sự cải thiện trong quá trình giám sát kế hoạch trả nợ theo thu nhập và tuân theo Chương trình xóa nợ đối với dịch vụ công. Những thay đổi này đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho một số nhóm cụ thể đủ điều kiện nộp hồ sơ xin xóa nợ, chẳng hạn như những nhân viên làm việc trong lĩnh vực công.
Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng đưa ra một kế hoạch trả nợ mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để xóa nợ cho những người vay có thu nhập thấp.
Kế hoạch xóa nợ cho sinh viên được Tổng thống Biden đưa ra năm 2022 với chi phí ước tính khoảng 400 tỷ USD. Theo kế hoạch này, chính phủ sẽ xóa nợ lên tới 20.000 USD cho những người có mức thu nhập dưới 125.000 USD/năm. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ hồi tháng Sáu năm ngoái đã ra phán quyết ngăn chặn việc triển khai kế hoạch này. Ông Biden sau đó cam kết tìm biện pháp khác để giải quyết vấn đề nợ sinh viên nói trên.
Mới đây, ông Biden đã công bố một nhóm đề xuất mới nhằm xóa nợ cho sinh viên và những đề xuất này có thể được triển khai vào mùa Thu năn nay. Hồi tháng 3/2024, ông Biden thông báo sẽ xóa 6 tỷ USD nợ sinh viên cho 78.000 người.
Trong những năm qua, đảng Dân chủ kêu gọi Chính phủ Mỹ xóa nợ sinh viên, trong khi đa số thành viên đảng Cộng hòa phản đối đề xuất này. Trong khi đó, nợ sinh viên ngày càng tăng do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và lãi suất cao. Hệ quả là ngày càng nhiều người trẻ tại Mỹ khó mua được nhà hoặc đầu tư.
Giá tiêu dùng tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tháng 3/2024, chủ yếu do giá xăng dầu và chi phí nhà ở tăng. Điều này đang làm dấy lên những băn khoăn về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu tới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng Ba vừa qua tăng 0,4%, sau mức tăng tương tự hồi tháng 2/2024. Tính trong 12 tháng qua, CPI của Mỹ trong tháng Ba tăng 3,5%, cách khá xa so với mục tiêu lạm phát mà Fed đặt ra là 2%.
Trong khi đó, các chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Anh Reuters dự báo mức tăng CPI của Mỹ trong tháng Ba là 0,3% (so với tháng trước đó) và 3,4% (so với cùng kỳ năm trước). Chi phí xăng dầu và nhà ở, bao gồm cả tiền thuê nhà, chiếm hơn một nửa đà tăng trong chỉ số CPI của tháng 3/2024.
Mặc dù tốc độ tăng của giá tiêu dùng đã giảm nhiệt từ mức đỉnh 9,1% được ghi nhận hồi tháng 6/2022, xu hướng giảm lạm phát tại Mỹ đã chậm lại trong những tháng gần đây.
Trong bối cảnh tăng trưởng việc làm tại Mỹ mạnh hơn dự kiến vào tháng 3/2024 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,8% từ 3,9% trong tháng 2/2024, một số nhà kinh tế cho rằng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed sẽ lùi sang tháng 7/2024. Thậm chí, một số ít người còn cho rằng cơ hội cắt giảm lãi suất trong năm nay đang khép lại. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần nói rằng Fed không vội vàng trong lộ trình hạ lãi suất.
Trong khi đó, số liệu việc làm của Mỹ đã tăng vượt kỳ vọng trong tháng 3/2024 và tiền lương tăng ở mức ổn định, cho thấy nền kinh tế Mỹ đã kết thúc quý đầu tiên của năm 2024 với nền tảng vững chắc và có khả năng đợt cắt giảm lãi suất dự kiến của Fed trong năm nay sẽ bị trì hoãn. Báo cáo việc làm vốn được các thị trường theo dõi sát sao của Bộ Lao động Mỹ, công bố ngày 5/4, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 3,8% trong tháng 3/2024, từ mức 3,9% trong tháng 2/2024.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ ở mức dưới 4% trong 26 tháng liên tiếp, khoảng thời gian dài nhất kể từ cuối những năm 1960. Nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu vượt trội hơn so với các nền kinh tế khác trên toàn cầu, mặc dù Fed đã tăng lãi suất thêm 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát. Một số nhà phân tích cho rằng hoạt động nhập cư gia tăng trong năm qua đang góp phần củng cố thị trường lao động Mỹ.
Cơ quan Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ cho biết số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng thêm 303.000 trong tháng 3/2024, cao hơn so với mức dự báo 200.000 việc làm mới của các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Mức tăng việc làm trung bình trong quý I/2024 là 276.000 việc làm mỗi tháng, so với mức trung bình của quý IV/2023 là 212.000 việc làm/tháng. Các ngành nhạy cảm với lãi suất, như xây dựng, cũng đang tăng cường tuyển dụng khi điều kiện tài chính dễ dàng hơn.
Khoảng 59,4% các ngành công nghiệp đã tạo thêm việc làm trong tháng 3/2024, làm giảm lo ngại rằng mức tăng việc làm tập trung ở quá ít lĩnh vực. Lĩnh vực xây dựng đã bổ sung 39.000 việc làm, gấp đôi mức tăng trung bình hàng tháng là 19.000 việc làm trong 12 tháng qua. Số việc làm trong lĩnh vực giải trí và khách sạn đã tăng thêm 49.000, trở lại mức trước đại dịch. Việc làm trong các lĩnh vực trợ giúp xã hội, bán lẻ và bán buôn cũng tăng lên.
Thu nhập trung bình mỗi giờ làm việc đã tăng 0,3% trong tháng 3/2024 sau khi tăng 0,2% trong tháng trước. Tiền lương đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, và là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 6/2021, sau khi tăng 4,3% vào tháng 2/2024. Mức tăng lương trong phạm vi 3% -3,5% được coi là phù hợp với mục tiêu lạm phát 2% của Fed.