Mỹ: Tập đoàn AMD làm nóng thị trường với dòng chip trí tuệ nhân tạo mới
* Ả-rập Xê-út hỗ trợ Trung Quốc chống lại sự thống trị AI của Mỹ
Ngày 3/6, tập đoàn công nghệ thông tin AMD, có trụ sở tại bang California (Mỹ), đã công bố các mẫu chip trí tuệ nhân tạo (AI) mới có thể được sử dụng cho mọi thiết bị, từ các trung tâm dữ liệu cho đến máy tính xách tay tiên tiến.
Nhu cầu về bộ vi xử lý chuyên dụng (CPU) giúp phát triển, đào tạo và chạy các ứng dụng AI như ChatGPT đã bùng nổ trong 2 năm qua.
Bất chấp vị trí thống trị thị trường của công ty phần mềm Nvidia (cũng của Mỹ), AMD đã nổi lên như một trong những đối thủ cạnh tranh nặng ký nhất.
Phát biểu tại Triển lãm công nghệ Computex 2024 được tổ chức ở Đài Loan (Trung Quốc), Giám đốc điều hành (CEO) của AMD, bà Lisa Su cho biết các mẫu chip xử lý đồ họa mới của công ty này sẽ cạnh tranh với các sản phẩm từ các đối thủ như Nvidia.
Bà nhấn mạnh AI là ưu tiên hàng đầu của AMD, trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn đầy thú vị khi công nghệ AI làm thay đổi mọi hoạt động kinh doanh, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của con người và định hình lại thị trường máy tính.
Bà Lisa Su cũng thông báo rằng AMD sẽ cập nhật các sản phẩm tiên tiến của mình mỗi năm, và mẫu chip mới nhất Instinct MI325X sẽ được ra mắt vào cuối năm nay. Bà cũng nhấn mạnh tới mối quan hệ hợp tác giữa AMD với một số công ty máy tính xách tay lớn nhất thế giới như Microsoft, HP, Lenovo và Asus.
AMD chỉ là một trong số những đối thủ nặng ký trong ngành chip tại Triển lãm Computerx năm nay. CEO của Qualcomm, Cristiano Amon, ông chủ Intel, Pat Gelsinger và CEO Rene Haas của công ty thiết kế chip Arm của Anh cũng dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại sự kiện này.
Các công ty công nghệ đang đặt cược lớn vào AI và các nhà sản xuất Đài Loan là trung tâm trong kế hoạch của họ. Vùng lãnh thổ này của Trung Quốc sản xuất phần lớn thiết bị bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, bao gồm cả những thiết bị cần thiết cho các ứng dụng và nghiên cứu AI mạnh mẽ nhất.
* Theo Financial Times ngày 2/6, Quỹ Prosperity7 của Ả-rập Xê-út đã hỗ trợ công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo nổi bật nhất của Trung Quốc và trở thành nhà đầu tư nước ngoài duy nhất trong nỗ lực của nước này nhằm tạo ra đối thủ nội địa cho OpenAI.
Hai nguồn tin chuyên về vấn đề này cho biết Prosperity7, quỹ thuộc Tập đoàn Dầu mỏ Saudi Aramco, đã tham gia vào vòng đầu tư trị giá khoảng 400 triệu USD vào công ty khởi nghiệp AI Zhipu AI. Thỏa thuận này định giá tập đoàn Trung Quốc vào khoảng 3 tỉ USD.
Trước đây, lĩnh vực AI non trẻ của Trung Quốc đã bị các hạn chế của Mỹ buộc phải dựa vào nguồn tài trợ trong nước, khiến khoản đầu tư của Prosperity7 trở thành ví dụ nổi bật đầu tiên về việc một nhà đầu tư nước ngoài ủng hộ sức nặng của mình đằng sau một trong bốn công ty khởi nghiệp về AI thế hệ đầu.
Khoản đầu tư này thể hiện sự sẵn sàng của Ả-rập Xê-út trong việc hỗ trợ một hệ sinh thái có thể chống lại sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực AI. “Người Ả-rập Xê-út không muốn Thung lũng Silicon thống trị ngành này”, một người thân cận với quỹ cho biết.
Năm ngoái Mỹ đã công bố lệnh cấm đối với một số khoản đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc và đã thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với các loại chip cao cấp dùng để đào tạo và vận hành các mô hình AI.
Các nhà đầu tư công nghệ hàng đầu toàn cầu như SoftBank và Tiger Global đã ủng hộ thế hệ trước của các tập đoàn AI Trung Quốc đi tiên phong trong công nghệ giám sát, đáng chú ý nhất là SenseTime, nhưng họ vẫn đứng ngoài cuộc trong quá trình thúc đẩy phát triển AI.
Đối với các công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc, việc nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư nước ngoài mang đến cơ hội mở ra thị trường mới cho công nghệ của họ bên ngoài Trung Quốc, nơi các công ty có truyền thống không trả lương cao cho các dịch vụ doanh nghiệp.