Mỹ tập kích cảng nhiên liệu Yemen, ít nhất 17 người thiệt mạng
Quân đội Mỹ cho biết họ tiến hành tấn công cảng nhiên liệu Ras Isa ở miền tây Yemen để cắt nguồn nhiên liệu cho lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn.
Phát ngôn viên của cơ quan y tế Houthi cho biết cuộc tập kích của Mỹ vào cảng nhiên liệu Ras Isa ở miền tây Yemen khiến ít nhất 17 người thiệt mạng và làm bị thương hàng chục công nhân.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) thông tin: "Lực lượng Mỹ đã hành động để loại bỏ nguồn nhiên liệu cung cấp cho lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn".

Mỹ bắt đầu cuộc tấn công quy mô lớn chống lại Houthis từ tháng 3. (Ảnh: CENTCOM)
Hôm 30/3, trong cuộc phỏng vấn qua với NBC News, Tổng thống Donald Trump cho biết quan chức Mỹ và Iran đang đàm phán về chương trình hạt nhân, nhưng không nêu chi tiết.
Ông Trump nói: "Nếu họ không đạt được thỏa thuận, sẽ có đánh bom hoặc áp dụng thuế quan thứ cấp, giống cách tôi làm cách đây 4 năm".
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt về chương trình hạt nhân của Iran và áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với Tehran.
Thỏa thuận này do Tehran và cường quốc phương Tây ký kết vào năm 2015. Nội dung thỏa thuận yêu cầu Iran phải hạn chế tham vọng hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt.
Vào ngày 7/3, ông Trump bất ngờ viết thư cho Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei kêu gọi đàm phán hạt nhân và cảnh báo về khả năng hành động quân sự nếu Tehran từ chối. Hãng thông tấn Iran Fars đưa tin bức thư được cố vấn Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất chuyển tới Tehran vào ngày 12/3.
Đại giáo chủ Khamenei tuyên bố những lời đe dọa của Mỹ "sẽ chẳng dẫn đến đâu" và cảnh báo biện pháp đáp trả "nếu họ làm bất cứ điều gì có hại" đối với Iran.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 21/3, Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff tiết lộ mục tiêu của ông Trump là tránh xung đột quân sự bằng cách xây dựng lòng tin với Iran. Ông khẳng định bức thư không có ý đe dọa.
Tehran và Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, lật đổ chế độ shah được phương Tây hậu thuẫn. Kể từ đó, đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc giữa hai nước.