Mỹ Thành vững bước trên con đường nông thôn mới nâng cao
Trải qua hơn 74 năm xây dựng và phát triển, Mỹ Thành từ xã khó khăn nhất đã trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), 1 trong 2 xã đầu tiên hoàn thành xây dựng NTM nâng cao của huyện Mỹ Lộc. Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, xã đã vinh dự được đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trải qua hơn 74 năm xây dựng và phát triển, Mỹ Thành từ xã khó khăn nhất đã trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), 1 trong 2 xã đầu tiên hoàn thành xây dựng NTM nâng cao của huyện Mỹ Lộc. Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, xã đã vinh dự được đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.
Con đường mở hướng xây dựng nông thôn mới
Đồng chí Đào Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành cho biết: Năm 2016, khi bắt tay thực hiện xây dựng NTM, qua rà soát các tiêu chí, Đảng ủy, UBND xã rất trăn trở bởi thực sự đây là bài toán quá khó. Lúc đó, đường giao thông xã vừa nhỏ hẹp, lại xuống cấp, nhất là đường làng ngõ xóm trong các thôn, xóm bình quân chỉ rộng từ 1,3m; nhiều đoạn cây cối um tùm che khuất tầm nhìn, mặt đường bong tróc, xuống cấp. Các công trình phúc lợi công cộng như trường học, trạm y tế cũ kỹ, rêu mốc, loang lổ xuống cấp trầm trọng. Thậm chí, trường THCS xã đã phải ngừng sử dụng vì xuống cấp quá nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho thầy và trò. Các phòng làm việc của trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã vừa thiếu, vừa hẹp, trang thiết bị thiết yếu như tủ, bàn ghế, máy tính của cán bộ, công chức, viên chức phải dùng chung. Toàn xã mới có 3/13 đơn vị có nhà văn hóa. Kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, độc canh cây lúa. Vị trí địa lý không thuận lợi cho phát triển công nghiệp dịch vụ, xã không có bến bãi, chợ và không có các tuyến đường chính chạy qua; thu ngân sách thấp nhất huyện. Vì thế, không ít cán bộ và nhân dân còn hoài nghi, để thực hiện thành công phương án xây dựng NTM thì phải có “phép màu”. Không biết bắt đầu từ đâu, chưa biết thực hiện từ tiêu chí nào, hết sức lúng túng”.
Đúng năm đó, dự án giao thông huyết mạch nối từ Quốc lộ 21A vào Khu di tích lịch sử Cao Đài đến xã Lộc Hòa (thành phố Nam Định) được triển khai, xã coi đây là “cơ hội vàng” để phát động phong trào xây dựng NTM. Trước khó khăn về yêu cầu diện tích mở rộng đường lớn, phải giải tỏa nhiều công trình kiên cố, xã đã kiên trì vận động nhân dân hiến đất, tháo dỡ công trình theo phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau, nhìn nhau cùng làm, cùng hưởng thụ”. Tất cả các cán bộ từ xã đến thôn xóm đã được quán triệt tinh thần quyết tâm sẵn sàng vào cuộc. Lãnh đạo xã, cán bộ, công chức xã trực tiếp xuống họp bàn với thôn xóm, gặp gỡ vận động từng hộ dân tham gia hiến đất, tháo dỡ công trình. Đơn vị giàu truyền thống và có nhiều diện tích phải giải phóng mặt bằng là thôn Cư Nhân làm trước, sau đó đến các thôn. Sau một thời gian, toàn xã đã vận động được 175 hộ dân tham gia hiến đất với diện tích 4.820m2, trong đó có 861,5m2 đất ở. Nhiều gia đình đã tháo dỡ công trình trị giá hàng trăm triệu đồng, nhiều hộ dân đã hiến hàng trăm m2 đất, có công trình đã tháo dỡ đến tận hiên nhà, có gia đình đã di chuyển hàng chục ngôi mộ, nhường đất xây dựng công trình, tất cả vì lợi ích chung của cộng đồng.
Con đường được hoàn thành đã tạo ra cú hích mạnh mẽ trong công tác xây dựng NTM. Chỉ trong hai năm 2017-2018 tiếp theo, tất cả 13/13 thôn xóm đã đồng loạt triển khai vận động hiến đất làm đường, đảm bảo bề rộng mặt từ 3m trở lên. Các xóm: 1, 2, 3, 4, 5, Cư Nhân, An Cổ đã huy động nhân dân làm rãnh thoát nước đồng bộ; 8 thôn, xóm đã xây mới nhà văn hóa, các đơn vị còn lại nâng cấp sửa chữa nhà văn hóa và trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trong đó xóm 6, xóm 7 chỉ có hơn 60 hộ dân nhưng đã xây mới nhà văn hóa giá trị hơn trăm triệu đồng. Các thôn, xóm đã đầu tư lắp đặt hệ thống đường điện chiếu sáng, chỉnh trang khuôn viên sáng - xanh - sạch - đẹp. Tại thôn Phấn Đài, đường dong ngõ được mở rộng trên 5m, có vỉa hè, cống thoát nước bê tông, bồn hoa, lắp trụ điện chùm hiện đại với kinh phí trên 100 triệu đồng, mỗi hộ dân đóng góp 20 triệu đồng, trong đó có cá nhân đã ủng hộ 30 triệu đồng. Từ năm 2018-2021, xã đã nâng cấp đường từ Cư Nhân đi An Cổ với nguồn vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng theo tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng kết nối xã Mỹ Thành với Quốc lộ 38B và các khu công nghiệp của thành phố Nam Định; nâng cấp, ấp trúc mở rộng mặt đường từ nhà văn hóa xóm 3 cũ đi xã Hợp Hưng (Vụ Bản) với kinh phí 800 triệu đồng tạo thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông đã tạo cú hích mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong nông nghiệp, xã đã triển khai quyết liệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng chuyên canh. HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Mỹ Thành đã liên kết với các doanh nghiệp thực hiện mô hình liên kết khép kín từ cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật thâm canh đến bao tiêu sản phẩm lúa với sản lượng bình quân 130 đến 150 tấn thóc/năm. Giá trị trên một ha canh tác từ 80 triệu đồng năm 2015 lên đến 128,2 triệu đồng năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 từ 35 triệu đồng đến năm 2021 đã đạt 57,8 triệu đồng. Ngoài ra, hệ thống các công trình phúc lợi công cộng cũng được xã tập trung đầu tư nâng cấp đạt chuẩn tiêu chuẩn NTM nâng cao. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn xã những năm qua luôn đạt mức trên 92%. 100% hộ dân đã được sử dụng hệ thống điện lưới an toàn, 100% số hộ được sử dụng nước sạch. Công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, chăm sóc bảo vệ đường cây, đường hoa được thực hiện thường xuyên thông qua mô hình Tuyến đường tự quản của các hội đoàn thể trong xã. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao. Việc thu gom phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn đã đem lại những kết quả thiết thực. Phong trào xây dựng khu dân cư “Sáng - xanh - sạch - đẹp” được khuyến khích mở rộng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã được nâng lên một bước làm cho người dân ngày càng hiểu rõ ý nghĩa to lớn của xây dựng NTM, càng tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương. Ông Trần Tất Thăng, thôn Cư Nhân cho biết: “Xây dựng NTM nâng cao là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt nông thôn. Làng quê sạch sẽ, đường làng rộng rãi, nếp sống văn minh đô thị ngày càng hiện hữu. Nhiều người khuyên lên sống trên thành phố nhưng tôi vẫn ở đây để tận hưởng trọn vẹn không khí NTM và tận hưởng thành quả công sức xây dựng NTM đã cống hiến suốt thời gian qua”.
Vững bước trên con đường tới xã nông thôn mới kiểu mẫu
Với tinh thần quyết tâm, sáng tạo, đi chậm về chắc, đi sau về trước, kể từ điểm xuất phát NTM vào năm 2016 là 6/19 tiêu chí (chủ yếu là các tiêu chí mềm, các tiêu chí chưa đạt là các tiêu chí về cơ sở vật chất đòi hỏi kinh phí lớn); đến cuối năm 2018, Mỹ Thành đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM sớm trước 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã và sớm trước hơn 1 năm so với chỉ tiêu huyện giao, được huyện tiếp tục chọn là 1 trong 2 xã thí điểm xây dựng NTM nâng cao. Năm 2020, Mỹ Thành là một trong hai xã hoàn thành đầu tiên nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao của huyện Mỹ Lộc, tiến tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu và được Chính phủ tặng Cờ thi đua. Đồng chí Chủ tịch UBND xã Đào Văn Quảng cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục kế thừa kinh nghiệm xây dựng NTM giai đoạn trước, phát huy truyền thống đoàn kết, huy động tổng lực cả hệ thống chính trị cùng với chính quyền, nhân dân xã phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu vào năm 2023. Tập thể lãnh đạo xã phát huy tinh thần cách mạng, tự trọng trong công việc, chịu khó, vượt khổ để quyết tâm phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM kiểu mẫu. Mỗi cán bộ, đảng viên tập trung thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là tấm gương để quần chúng noi theo với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Làm trước, nói và đúc rút kinh nghiệm sau”. Phát huy tinh thần “Đồng thuận là động lực, là nguồn lực, là nội lực để xây dựng NTM kiểu mẫu”. Đẩy mạnh bám sát cơ sở để lắng nghe, chia sẻ, tuyên truyền và đồng hành cùng với nhân dân trên từng chặng đường về đích NTM kiểu mẫu. Tích cực đi sâu, đi sát để nắm chắc vấn đề, sẻ chia, động viên và kịp thời biểu dương nhân rộng các điển hình, các tấm gương tiêu biểu để nhân rộng, lan tỏa cùng nhau đoàn kết chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp và trên hết, cùng nhau sống chan hòa, đầm ấm để hưởng thụ những thành quả mà cán bộ và nhân dân trong xã đã chung tay xây dựng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn