Mỹ theo dõi chặt hoạt động không gian của Trung Quốc
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ James Dickinson cho biết nước này theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc có khả năng đe dọa tài sản Mỹ trên vũ trụ.
Theo tướng Dickinson: “Trung Quốc tin rằng không gian là một phần quan trọng không chỉ với nền kinh tế hay môi trường kinh tế toàn cầu mà còn với môi trường quân sự. Vì vậy chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ khi họ tăng cường năng lực không gian. Tôi thực sự tập trung vào thách thức ngày một lớn của chúng ta: Trung Quốc”.
Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới tự mình đưa phi hành gia lên vũ trụ - sau Liên Xô và Mỹ - vào năm 2003. Chương trình không gian của nước này từ đó đến nay không ngừng phát triển.
Năm 2007, Trung Quốc hứng chịu chỉ trích quốc tế vì thực hiện thử nghiệm phóng tên lửa diệt vệ tinh không báo trước tạo ra nhiều mảnh vỡ.
Trung Quốc vào tháng trước phóng thành công module cuối cùng của trạm vũ trụ Thiên Cung. Phi hành đoàn 6 người dự kiến hoàn thành công tác xây dựng trạm vào cuối năm nay. Nước này trước đó cũng đã triển khai thiết bị tự hành khám phá Mặt trăng cùng sao Hỏa.
Tướng Dickinson hoan nghênh nghị quyết đề nghị các quốc gia không tiến hành thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh bay thẳng (ASAT) tạo ra nhiều mảnh vỡ không gian, đe dọa vệ tinh và trạm vũ trụ mà Liên Hợp Quốc vừa thông qua ngày 8.12.
Trong số 4 quốc gia từng tiến hành thử nghiệm ASAT thì chỉ có Mỹ bỏ phiếu ủng hộ thông qua nghị quyết. Nga cùng Trung Quốc bỏ phiếu chống, Ấn Độ bỏ phiếu trắng.
Theo tướng Dickinson: “Chúng ta không thể tiếp tục làm tăng số mảnh vỡ mà chúng ta tìm thấy ngoài vũ trụ. Hầu hết mảnh vỡ đều nằm ở quỹ đạo thấp vốn đã tắc nghẽn và đầy cạnh tranh, tranh chấp”.
Chỉ một mảnh kim loại nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm, nhưng số lượng mảnh võ như vậy lại đang tăng lên nhanh chóng. Tướng Dickinson cho biết Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ đang theo dõi hơn 48.000 vật thể ở quỹ đạo gần, bao gồm vệ tinh, kính viễn vọng, trạm vũ trụ, mảnh vỡ đủ kích thước, tăng so với 25.000 vật thể so với 3 năm trước.