Mỹ thử tên lửa tầm trung: Nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới
Mỹ kích hoạt quá trình rút khỏi INF: "Bước lùi" nguy hiểm
(HNM) - Chỉ hơn hai tuần sau khi cả Mỹ và Nga chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Washington đã bất ngờ tiến hành thử nghiệm tên lửa tầm trung đất đối đất tại đảo San Nicolas, bang California, phía Tây nước này.
Vũ khí được thử nghiệm là một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk mà hải quân Mỹ sử dụng, được điều chỉnh và khai hỏa trên mặt đất. Cuộc thử nghiệm cũng sử dụng bệ phóng thẳng đứng MK 41, một phần của Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis và Aegis Ashore.
Đây là những bệ phóng được đặt tại các vị trí phòng thủ tên lửa chủ chốt của quân đội Mỹ ở Ba Lan và Romania vốn bị Nga cho rằng đã vi phạm INF khi có thể sử dụng cho cả tên lửa Tomahawk và SM-3.
Hình ảnh vụ thử nghiệm tên lửa tầm trung của Mỹ tại đảo San Nicolas.
Đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc cho thử nghiệm loại tên lửa bị cấm theo các điều khoản của INF trong hơn 30 năm qua. Sự kiện trên cho thấy Mỹ đã bắt đầu triển khai tuyên bố thúc đẩy kế hoạch phát triển tên lửa sau khi chính thức rút khỏi văn kiện ký kết với Nga từ thời Chiến tranh lạnh. Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, các dữ liệu thu được qua vụ phóng thử sẽ giúp ích cho việc tăng cường năng lực tên lửa tầm trung của nước này.
Ngoài phiên bản khai hỏa trên đất liền của Tomahawk, Lầu Năm Góc đã công bố ý định thử nghiệm tên lửa đạn đạo với tầm bắn 3.000km đến 4.000km từ cuối năm nay. Sự việc cũng diễn ra vào thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Washington muốn sớm triển khai các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại châu Á. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton còn tiết lộ những tên lửa này có thể sẽ được triển khai tại Nhật Bản hoặc Hàn Quốc sau khi Australia tuyên bố đứng ngoài cuộc.
Những động thái từ Mỹ cho thấy mối quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới, đặc biệt là cuộc đua phát triển tên lửa tầm trung giữa Washington và Mátxcơva đang có dấu hiệu trở thành hiện thực. Sau vụ thử nghiệm của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo nước này buộc phải nghĩ tới việc phát triển tên lửa mặt đất tầm ngắn và tầm trung. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu mới đây đã đặt thời hạn cho các lực lượng chức năng nước này trong 2 năm tới phải nâng tầm bắn của các loại tên lửa đang được phát triển.
Những diễn biến này được xem là hệ quả trực tiếp từ sự sụp đổ của INF. Được ký ngày 8-12-1987, INF quy định Mỹ và Nga phải giải giáp gần 2.700 tên lửa đạn đạo, tên lửa tầm trung, có tầm bắn từ 1.000km đến 5.500km có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm ngắn, có tầm bắn từ 500km đến 1.000km trên mặt đất. Khi INF bị xóa bỏ, thế giới hiện dựa vào một thỏa thuận duy nhất là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang mới theo kiểu Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên, văn kiện này cũng sẽ hết hiệu lực vào năm 2021 và đang đứng trước nguy cơ không được gia hạn. Điều này nếu xảy ra không chỉ xóa bỏ những ràng buộc để bảo vệ nhân loại khỏi một cuộc đua phô trương sức mạnh vũ khí nguy hiểm mà lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, hai cường quốc hạt nhân là Nga và Mỹ không có khả năng kiểm soát lẫn nhau về nguyên tử.
Tuy nhiên, sau vụ thử nghiệm khẳng định quyết tâm phát triển tên lửa của Mỹ, một thế giới không được đặt trong các cam kết về kiểm soát vũ trang đang trở nên rõ ràng hơn. Trong bối cảnh quan hệ giữa các cường quốc, đặc biệt là Nga và Mỹ vẫn tiếp tục căng thẳng, bất kỳ bước đi thiếu cân nhắc nào cũng có khả năng ảnh hưởng tới an ninh và việc duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu.