Mỹ thử vũ khí siêu thanh đầu tiên, cảnh báo có thể làm chết '4 con ốc, 90 con trai'
Không quân Mỹ cảnh báo rằng vụ thử tên lửa siêu thanh từ trên không có thể giết chết bốn con ốc và 90 con trai, cùng 108 con cá hoàng đế và 10.000 cụm san hô.
ARRW AGM-183A. Ảnh: Reuters
Hồi đầu tháng Sáu, Tướng Timothy M. Ray, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Tấn công toàn cầu cho biết cuộc thử nghiệm Vũ khí phản ứng nhanh phóng trên không (ARRW) sẽ được tiến hành vào tháng tới sau một nỗ lực thất bại trước đó.
Mục tiêu của tên lửa là đảo san hô Kwajalein ở Cộng hòa Quần đảo Marshall. Đảo san hô là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm, nhưng kết quả đánh giá môi trường do Trung tâm Vũ khí Hạt nhân (thuộc Không quân Mỹ) công bố gần đây cho thấy vụ thử sẽ không gây ra “thiệt hại không thể phục hồi” đối với khu vực này.
“Tối đa bốn con ốc và 90 con trai có thể sẽ chết trong cuộc thử nghiệm”, báo cáo viết, và cho biết thêm rằng “vụ thử có thể tác động đến cả môi trường trên cạn, dưới nước”.
Ngoài trai, ốc, các sinh vật khác có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Báo cáo cho biết vụ phóng ARRW có thể dẫn đến “cái chết của hơn 10.000 cụm san hô tại đảo san hô Kwajalein. 108 con cá hoàng đế, một loài cá có nguy cơ tuyệt chủng, có thể bị thương hoặc chết."
Báo cáo kết luận rằng các cuộc thử nghiệm ARRW và các hoạt động quân sự khác của Mỹ trong khuôn khổ chương trình Răn đe chiến lược trên mặt đất (GBSD) "sẽ không có tác động đáng kể đến môi trường tự nhiên hoặc con người."
Tuy nhiên, Không quân Mỹ không đưa ra bất kỳ ước tính nào về thiệt hại nhân mạng có thể xảy ra, nếu vũ khí siêu thanh có khả năng hạt nhân được sử dụng chống lại quốc gia khác.
Khi nói đến vũ khí siêu thanh, Mỹ đang tụt hậu so với Nga, quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa trang bị tên lửa siêu thanh cho quân đội sau khi giới thiệu hệ thống Avangard vào năm 2019.
Vì vậy, việc phải hủy bỏ cuộc thử nghiệm đầu tiên của ARRW AGM-183A hồi tháng Tư do các vấn đề không xác định trên máy bay ném bom B-52H đã trở thành nỗi thất vọng lớn đối với Lầu Năm Góc.