Mỹ thừa nhận 'cởi trói' cho Ukraine trong sử dụng vũ khí tầm xa, Nga tố vượt mọi ranh giới đỏ
Ngày 25/11, điều phối viên Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby tuyên bố, Mỹ đã hướng dẫn cho lực lượng vũ trang Ukraine về cách lựa chọn mục tiêu tấn công bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS mà Washington cung cấp.
Hãng thông tấn TASS đưa tin, khi được hỏi về các cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS sâu vào lãnh thổ Nga, quan chức Nhà Trắng ban đầu nói rằng "không có gì thay đổi" về việc sử dụng vũ khí này, nhưng sau đó dừng lại và nhấn mạnh: "Rõ ràng là chúng tôi đã thay đổi hướng dẫn và chỉ dẫn cho họ rằng họ có thể sử dụng chúng để tấn công các loại mục tiêu cụ thể".
Bên cạnh đó, điều phối viên Nhà Trắng tuyên bỗ: "Ngay bây giờ, họ (quân nhân Ukraine) có thể sử dụng ATACMS để tự vệ khi cần thiết".
Đây là lần đầu tiên Mỹ công khai xác nhận việc gỡ hạn chế cho Ukraine về việc sử dụng vũ khí tầm xa do Washington cung cấp tấn công sâu vào Nga.
Trước đó, ngày 17/11, tờ New York Times đưa tin về vấn đề này, song chính quyền Mỹ không công khai thừa nhận, nhưng cũng chưa hề phủ nhận.
Chỉ có Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell xác nhận rằng, Mỹ đã dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng tên lửa do nước này cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga trong phạm vi lên tới 300 km.
Trong khi đó, cùng ngày 25/11, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Arabiya, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng, việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga đã "vượt qua bất kỳ ranh giới đỏ nào”.
Ông Medvedev cho biết thêm, Tổng thống Nga Vladimir Putin “đã thể hiện rõ quan điểm của mình khi phê duyệt các nền tảng mới về răn đe hạt nhân”.
Ngay sau khi Ukraine được Mỹ "cởi trói", Nga đã phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi, trong đó bảo lưu quyền cân nhắc đáp trả hạt nhân đối với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa chủ quyền của mình.
Nga giờ đây cũng sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào của một quốc gia không có hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung.