Mỹ thừa nhận thử tên lửa siêu vượt âm thất bại
Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết, vụ thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm ARRW vào ngày 13/3 'không thành công'. Đây là lần thứ 4 hệ thống tên lửa do Lockheed Martin sản xuất thất bại khi thử nghiệm.
Theo trang Defense News và hãng tin RT, tuyên bố trước các thành viên của một ủy ban thuộc Hạ viện Mỹ ngày 28/3, ông Kendall nói: "Cuộc thử nghiệm mà chúng tôi thực hiện không thành công. Chúng tôi không nhận được dữ liệu cần thiết từ cuộc thử nghiệm đó, vì thế chúng tôi đang kiểm tra để biết xem điều gì đã xảy ra".
Bộ trưởng Không quân Mỹ đề cập tới vụ thử nghiệm Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A, vốn là tên lửa hành trình tấn công siêu vượt âm, được tiến hành ở ngoài khơi bờ biển Nam California. Quan chức này không đưa ra thông tin cụ thể về điều gì đã xảy ra khi thử nghiệm.
Tuyên bố của ông Kendall có thể khiến các nhà lập pháp bất ngờ vì Không quân Mỹ hồi tuần trước đã đưa ra một thông cáo báo chí cho biết, vụ thử ARRW đã đạt một số mục tiêu. Văn bản này không đề cập tới thất bại của vụ thử nghiệm.
Vũ khí siêu vượt âm thường di chuyển với tốc độ Mach 5 (6.174 km/h) và có khả năng cơ động cao khiến chúng khó bị theo dõi và bắn hạ. Trung Quốc và Nga đã đầu tư các nguồn lực đáng kể để phát triển các vũ khí này cho quân đội, khiến một số nghị sĩ Mỹ bày tỏ lo ngại Washington không đầu tư đủ để phát huy khả năng vũ khí siêu vượt âm của nước này.
Tên lửa ARRW được phát triển từ năm 2018 và thử nghiệm thất bại 3 lần vào năm 2021. Không quân Mỹ tuyên bố, lần phóng thử thành công đầu tiên diễn ra vào tháng 5/2022, tên lửa đạt tốc độ trên Mach 5, tương đương gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Không quân Mỹ đã nhận được gần 115 triệu USD để nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá tên lửa ARRW trong năm tài chính 2023, giảm từ 308 triệu USD của năm trước.
Do kết quả thử nghiệm ARRW mới nhất, không quân Mỹ đang quan tâm hơn tới một chương trình vũ khí siêu vượt âm khác - Tên lửa hành trình tấn công siêu vượt âm (HACM), Bộ trưởng Kendall nói và cho biết thêm, cho tới giờ, chương trình HACM khá thành công. "Nó tương thích với nhiều máy bay hơn và sẽ mang lại cho không quân Mỹ khả năng chiến đấu cao hơn".