Mỹ thuật Ðiện Biên trong dòng chảy phát triển
ĐBP - Lĩnh vực sáng tác mỹ thuật của tỉnh Ðiện Biên có bước bắt nhịp và phát triển khá chậm so với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Nếu tính từ mốc những năm 2000 thì mới có hai họa sĩ là Trần Hoa và Lê Anh Tuấn có tác phẩm tham gia triển lãm khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc. Sau đó gần 10 năm mới có thêm sự xuất hiện của các tác giả Vũ Hữu Cương, Lê Ninh, Nguyễn Tất Tâm, Lê Mạnh Hùng... Ðến nay, sau gần hai thập kỷ phát triển, lĩnh vực sáng tác mỹ thuật của tỉnh nhà đã và đang có bước chuyển đáng kể cả về chất và lượng.
Tác phẩm “Hoa trong nắng” của họa sĩ Vũ Hữu Cương. Ảnh: T.K
Dấu mốc phát triển của mỹ thuật Ðiện Biên phải kể đến chính là sự ra đời của Chi hội Mỹ thuật ngành Giáo dục và Ðào tạo vào năm 2012. Chi hội tập hợp lực lượng nòng cốt là các họa sĩ, tác giả trong ngành Giáo dục và Ðào tạo là tiền đề để thúc đẩy mỹ thuật Ðiện Biên phát triển. Ðến nay, tỉnh ta đã có 6 hội viên được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chi hội Mỹ thuật có gần 50 hội viên. Cùng với bước phát triển về số lượng, mỹ thuật Ðiện Biên cũng có sự vươn lên khẳng định về chất lượng. Trong triển lãm khu vực lần thứ XVII năm 2012, tỉnh ta đã có 18 tác giả có tác phẩm tham gia và lần đầu tiên mỹ thuật Ðiện Biên có tác phẩm “Vụ mùa” của cô giáo Quàng Thị Hoa được tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm các hội viên Chi hội Mỹ thuật tỉnh đều gửi tham gia triển lãm khu vực từ 10 - 15 tác phẩm. Các tác phẩm tiêu biểu được ghi nhận như: Bức tranh Hoa trong nắng của họa sĩ Vũ Hữu Cương đoạt giải khuyến khích, các tác phẩm Chọn vải của Mai Thanh Hưng, Chân dung vùng cao của Lê Ninh, Bên cầu lịch sử của Lê Mạnh Hùng, Quá khứ còn lại của Nghiêm Minh Hải được tặng thưởng.
Mặc dù ra đời và bắt nhịp muộn hơn nhưng các tác phẩm mỹ thuật đã thể hiện bản sắc vùng đất và đời sống con người Ðiện Biên. Nhiều tác phẩm thể hiện sự từng trải và thẩm thấu của tác giả đối với đời sống thường ngày, các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc vùng cao và tạo được rung cảm nghệ thuật đối với công chúng thông qua ngôn ngữ tạo hình. Với tình yêu nghệ thuật và nỗ lực của các tác giả, các họa sĩ đã và đang tìm tòi, thể nghiệm và xây dựng cho mỹ thuật Ðiện Biên một bản sắc riêng, khẳng định được vị thế của hội họa, mỹ thuật trong đời sống văn học nghệ thuật. Họa sĩ Trần Thị Hoa, Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) cho biết: “Trong nghệ thuật thì có rất nhiều trường phái, trường phái theo lối tả thực, rồi vẽ theo nhiều phong cách khác nhau. Tôi cũng đang nghiên cứu theo trường phái tả thực thôi, còn mỗi họa sĩ sẽ có một phong cách cho riêng mình, nhiều khi chưa thể định hình ngay được nên phải tìm tòi ra những cái mới trong suốt chặng đường sáng tác”.
Trong hội họa, người nghệ sĩ có thể lựa chọn cho mình nhiều chất liệu khác nhau để vẽ, từ lụa, bột mầu đến sơn dầu hay sơn mài... Có những họa sĩ chỉ trung thành với một loại chất liệu và thành danh ở loại tranh đó nhưng cũng có họa sĩ lại thử sức mình ở nhiều thể loại tranh khác nhau. Bởi mỗi loại chất liệu đều có thế mạnh khác nhau, và người họa sĩ tùy theo từng đề tài, nội dung, cảm hứng, cảm xúc sáng tạo mà lựa chọn cho mình chất liệu phù hợp nhất. Nếu như tranh lụa là chất liệu mỏng manh, mịn màng mang lại cho người xem cảm nhận trong trẻo mềm mại, thanh thoát thì tranh sơn dầu lại có lợi thế về màu sắc, cách thể hiện đa dạng, phong phú. Là một tác giả thử sức với nhiều chất liệu khác nhau nên họa sĩ Vũ Hữu Cương am hiểu sâu sắc về thế mạnh của từng loại tranh. Hiện nay, anh cũng là họa sĩ duy nhất trên địa bàn tỉnh thể hiện tác phẩm với chất liệu sơn mài. Ðây là một thể loại khó đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ cũng như tâm huyết của người nghệ sĩ mới có thể thực hiện thành công.
Ngoài các chất liệu kể trên, hiện nay, các tác giả, họa sĩ của tỉnh đã và đang thể nghiệm trên nhiều chất liệu khác nhau từ tranh khắc gỗ, tranh gốm đến tranh giấy, tranh bột màu, tranh vẽ trên toan... Nhưng dù sáng tạo trên nền tảng chất liệu nào, mỗi tác giả, mỗi họa sĩ đều cố gắng tìm và khẳng định cho mình một phong cách riêng. Phong cách ấy đậm nét đến đâu lại tùy thuộc vào tài năng, sự lựa chọn và quá trình lao động sáng tạo lâu dài. Hơn thế nữa, một tác phẩm hội họa là độc bản và không lặp lại. Bởi vậy, để phát triển người họa sĩ luôn phải tự tìm tòi, làm mới mình, phải hài hòa, nhuần nhuyễn giữa thực tế và trí tượng tượng khi sáng tạo.
Hội họa là một bộ môn nghệ thuật khó, thiên nhiều về năng khiếu bởi vậy để duy trì dòng chảy phát triển đòi hỏi phải có sự bồi dưỡng, nuôi dưỡng các thế hệ kế cận. Hãy nhìn những bức tranh đặc biệt được vẽ trên đá của thầy giáo Ngô Văn Hiến và các học sinh của thầy. Ðó không chỉ đơn thuần là sự đam mê của một thầy giáo với mỹ thuật, sự độc đáo của những bức tranh vẽ trên đá. Ðó còn là sự hun đúc, nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ thơ về tình yêu với mỹ thuật, về ý nghĩa trong việc chuyên chở thông điệp tình yêu cuộc sống, tình cảm gia đình, tình yêu quê hương trong từng bức tranh... Thầy giáo Ngô Văn Hiến, giáo viên mỹ thuật Trường PTDTBT THCS Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) chia sẻ: “Việc ý tưởng vẽ trên đá thì xuất phát mỗi lần đi qua suối thấy có những viên đá rất đẹp mình nhặt lên xem và có ý tưởng vẽ các con vật. Từ đầu chỉ là vẽ những con vật đơn giản thôi sau đó là vẽ những cái phức tạp hơn, những hình tượng đặc trưng hơn của vùng miền như tranh lịch sử, các sản phẩm về gia đình. Học sinh được tôi hướng dẫn cũng rất thích vẽ và tham gia rất đông”.
Hiện nay, hội họa là một bộ môn giảng dạy trong trường học. Các giáo viên mỹ thuật, các em học sinh có năng khiếu về mỹ thuật là nguồn phát triển dồi dào cái cần chính là sự quan tâm tạo dựng môi trường để những tài năng ấy phát triển. Vừa qua, lần đầu tiên một cuộc thi vẽ dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng ở mọi lứa tuổi với chủ đề “Không gian mơ ước của em” được tổ chức ở quy mô toàn tỉnh. Cuộc thi thành công không chỉ ở những con số biết nói như: Có trên 1.700 bức tranh của các bạn nhỏ trong và ngoài tỉnh tham gia dự thi; 240 em vượt qua vòng sơ khảo tham gia vòng thi chung kết với bài thi vẽ trực tiếp; 40 giải thưởng được trao, trong đó có nhiều tác phẩm được đánh giá cao về chuyên môn mỹ thuật. Ðó là tín hiệu vui đối với sự phát triển của lĩnh vực mỹ thuật tỉnh nhà. Và quan trọng hơn, tình yêu mỹ thuật sẽ được truyền lại cho thế hệ trẻ ngay khi các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Với nỗ lực đặt nền móng của các thế hệ đi trước và với sự quan tâm thiết thực dành cho thế hệ trẻ, lĩnh vực mỹ thuật của tỉnh sẽ tiếp tục phát triển và gặt hái được thành công trong tương lai.