Mỹ thuật ứng dụng: Tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Mỹ thuật ứng dụng là một lĩnh vực rộng, đã và đang chạm vào mọi mặt của đời sống xã hội. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, việc phát triển mỹ thuật ứng dụng, với các sản phẩm, thiết kế tốt sẽ góp phần xây dựng, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tiềm năng lớn
Được xác định là một trong những ngành ưu tiên phát triển của công nghiệp văn hóa, những năm gần đây mỹ thuật ứng dụng bao gồm thiết kế đồ họa, thiết kế tạo dáng công nghiệp, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất và nghệ thuật trang trí đã được chú trọng ứng dụng vào các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sử dụng con người. Các sản phẩm của mỹ thuật ứng dụng có mặt khắp nơi trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, thủ công mỹ nghệ còn là mặt hàng xuất khẩu quan trọng ra thị trường quốc tế. Đồ trang trí, gia dụng, quà lưu niệm làm từ các chất liệu sơn mài, gốm, sứ, mây tre, vàng, bạc, đồng, gỗ, kim loại, vải... của Việt Nam từ lâu được đánh giá là đa dạng và tinh xảo.
Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn (Giảng viên tại Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Khi cuộc sống ngày càng phát triển, ngoài việc hướng tới các sản phẩm tiêu dùng mang tính công năng phục vụ cuộc sống người dân, còn hướng tới yếu tố văn hóa và giá trị thẩm mỹ. Chính vì vậy, ngày nay, mỹ thuật được ứng dụng rất nhiều xung quanh cuộc sống của chúng ta và đã đưa giá trị của các sản phẩm lên một tầm cao mới".
Lấy ví dụ về triển lãm "Thắm" xoay quanh nghệ thuật Trúc chỉ mà nghệ sĩ Thế Sơn làm giám tuyển, anh cho biết, họ đã rất sáng tạo khi dựa trên những xơ sợi của cây tre, trúc, giang, chuối, ngô, rơm, lục bình, dừa, bã mía… để tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày của con người như: nón, quạt, quần áo… Qua đó, không chỉ giúp tạo ra các sản phẩm độc đáo mà còn tạo được nguồn cảm hứng cho những người thiết kế, nghệ sĩ sáng tạo và làm ra các sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, hiện nay, mỹ thuật không chỉ được ứng dụng trong các sản phẩm mà còn được đưa vào trong các không gian công cộng để tạo nên những không gian văn sáng tạo mới. "Trong những năm gần đây, tôi đã bắt đầu nghiên cứu và tham gia vào nhiều dự án sử dựng mỹ thuật ứng dụng vào trong các không gian công cộng, những ngôi đình, hội quán... Khi những con đường có câu chuyện riêng, những góc phố thân quen biến thành một không gian nghệ thuật, những công viên hoang sơ được đưa thành khu vực điêu khắc đã tạo nên những điểm đến thú vị, là nơi check-in lý tưởng cho người dân và du khách. Từ đó, cho thấy được những dự án nghệ thuật công cộng sẽ đóng góp cho thiết kế sáng tạo trong đô thị, tạo ra những không gian văn sáng tạo mới, góp phần vào phát triển du lịch của đất nước. Tôi cho rằng, đây cũng là một trong những đóng góp lớn của mỹ thuật ứng dụng cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa" - nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết thêm.
Không những thế, trong những năm qua, nhận thấy được tiềm năng của mỹ thuật ứng dụng, Việt Nam đã tổ chức nhiều sự kiện triển lãm như Lễ hội Thiết kế sáng tạo, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam, Festival làng nghề… nhằm tạo sân chơi, khuyến khích sự sáng tạo những nhà thiết kế, nghệ sĩ. Đồng thời, thúc đẩy phát triển văn hóa và nghệ thuật, cũng như góp phần vào việc phát triển và lan tỏa thông điệp về sức mạnh của ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của các doanh nghiệp đi theo hướng khác biệt hóa và tôn vinh tinh thần nghiên cứu, đổi mới.
Cần thúc đẩy tư duy sáng tạo
Trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, mục tiêu đề ra là ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm phải đóng góp đạt 80 triệu đô la Mỹ (đến năm 2020) và 125 triệu đô la Mỹ (đến năm 2030). Để đạt được mục tiêu này, ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, trong đó mỹ thuật ứng dụng là nòng cốt cần có nguồn nhân lực chất lượng cao có tư duy mới mẻ, hiện đại, có khả năng sáng tạo ra các tác phẩm tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, Mỹ thuật ứng dụng là một lĩnh vực không hề dễ, những người làm trong lĩnh vực này đòi hỏi một sự hiểu biết, kiến thức nền rất rộng về văn hóa truyền thống, nghệ thuật đương đại, có sự liên kết liên ngành mạnh mẽ thì mới có thể tạo ra các sản phẩm cho chất lượng, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Ví dụ, một người làm trong lĩnh vực điện ảnh cũng cần phải hiểu về ngành thiết kế hội họa, thời trang, hiểu về văn chương mới có thể sản xuất ra bộ phim mang tính thời đại, gắn kết với sự phát triển của thế giới. Nếu không chúng ta sẽ lạc hậu, không có sản phẩm đặc sắc.
"Đào tạo đang là một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam trong phát triển mỹ thuật ứng dụng gắn với công nghiệp văn hóa. Mỹ thuật ứng dụng là một ngành "hot", được nhiều sinh viên lựa chọn theo đuổi nên có nguồn nhân lực rất dồi dào, nhưng lại thiếu những "người thợ" lành nghề, cũng như môi trường để kích cầu phát triển. Bên cạnh đó, sinh viên chưa có nhiều cơ hội thực hành, trải nghiệm thực tế. Nên nhiều sinh viên về mặt kỹ thuật thiết kế rất giỏi, nhưng tính sáng tạo và thẩm mỹ lại không có. Cùng với đó, Việt Nam chưa có nhiều cơ sở đào tạo mang tính liên ngành nên rất hạn chế trong thúc đẩy tư duy sáng tạo cho sinh viên" – nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nói.
Để có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành mỹ thuật ứng dụng phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng: "Theo tôi, có hai yếu tố trong các chương trình đào tạo cần thay đổi đó là trong giáo dục cần đào sâu vào giá trị văn hóa truyền thống lịch sử dân tộc và xây dựng chương trình giảng dạy mang tính liên ngành. Chúng ta cần xây dựng mới và phát triển nhiều chương trình đào tạo thiết thực, linh hoạt và hiện đại. Cơ cấu chương trình cũng nên được thay đổi theo nhu cầu của công việc, bảo đảm kết hợp các kiến thức cơ bản và cơ sở, giữa khoa học tự nhiên, xã hội, kỹ thuật và nghệ thuật; gắn kiến thức chuyên ngành với các kiến thức lịch sử, văn hóa, kinh tế, pháp luật, quản lý, môi trường".
"Đồng thời, cần tôn trọng sự tự do sáng tạo phát triển của các cá nhân nhiều hơn và quan trọng nhất sinh viên cần được tiếp cận và tham gia vào thực hiện những dự án thực tế. Và để làm được điều đó, tôi cho rằng, các trường phải được tự chủ trong việc quyết định chương trình giảng dạy" – nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh./.