Mỹ thúc đẩy hợp tác với các đảo quốc Thái Bình Dương
Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương khai mạc ngày 28/9, tại thủ đô Washington. Thông báo của Nhà Trắng nhấn mạnh, hội nghị là minh chứng cho mối quan hệ đối tác bền vững và sâu sắc giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương.
Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương được xem là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ với khu vực giữa lúc tầm ảnh hưởng của Trung Quốc không ngừng gia tăng. Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương diễn ra tháng 7 vừa qua, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố khoản ngân sách mới trị giá 600 triệu USD nhằm hỗ trợ khu vực này cùng kế hoạch mở các đại sứ quán Mỹ tại Tonga và Kiribati.
Những động thái này của chính quyền Tổng thống Mỹ cho thấy rõ sự tăng cường can dự của Mỹ với các đảo quốc Thái Bình Dương.
Điểm nhấn đáng chú ý
Điểm nhấn quan trọng nhất của Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương có lẽ chính là tuyên bố của Mỹ rằng đây là Hội nghị thượng đỉnh chưa từng có mặc dù Mỹ đã là một cường quốc trong khu vực gần 150 năm qua. Cùng với chiến lược “Thái Bình Dương tiến bước” của Australia, “tái lập Thái Bình Dương” của New Zealand và “nâng cấp Thái Bình Dương” của Anh… thì rõ ràng hội nghị thượng đỉnh này là sự xác nhận của Chính quyền Biden về tầm quan trọng và nhu cầu nâng cấp quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang có xu hướng gia tăng trong khu vực.
Cũng trong hội nghị thượng đỉnh, chính quyền Tổng thống Biden sẽ công bố chiến lược quốc gia đầu tiên của nước này đối với các quốc đảo Thái Bình Dương nằm trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Trong đó, Mỹ cam kết thúc đẩy hợp tác “rộng mở và sâu sắc hơn trong các vấn đề chính như biến đổi khí hậu, ứng phó với đại dịch, phục hồi kinh tế, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường và thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Sâu xa hơn, hội nghị thượng đỉnh lần này còn là cơ hội cho các đồng minh của Mỹ tại khu vực - Australia và New Zealand, tăng cường quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương thông qua các sáng kiến như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) hay Sáng kiến Đối tác Thái Bình Dương Xanh (PBP)…
Trong bối cảnh sinh kế của người dân các nước trong khu vực đang bị đe dọa khi phải đối mặt với các thách thức, từ biến đổi khí hậu đến tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 đối với thương mại và du lịch, các sáng kiến hợp tác này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.
Mỹ nỗ lực giành lại uy tín, đảo ngược ảnh hưởng của Trung Quốc
Với hàng loạt các hoạt động tích cực chuẩn bị cho thượng đỉnh và chương trình nghị sự tham vọng cho thấy chính quyền Biden rất hy vọng các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ ủng hộ định hướng chính sách mới của Mỹ đối với khu vực này nói riêng và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung.
Trong khi đó, các quốc đảo Thái Bình Dương kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ giúp khu vực thu hút ủng hộ ngoại giao và viện trợ tài chính để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, di sản và quyền của người dân thông qua các biện pháp thiết thực chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng trong khu vực, chương trình nghị sự của Hội nghị cũng cho thấy bên cạnh các mục tiêu kinh tế, khí hậu… chính quyền ông Biden tập trung khá nhiều vào mục tiêu an ninh khu vực, công khai quan ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Mỹ đang nỗ lực giành lại uy tín, đảo ngược ảnh hưởng của Trung Quốc với các khoản viện trợ phát triển và kinh tế khổng lồ trong hàng chục năm qua cho các nước trong khu vực. Các sáng kiến của Mỹ bao gồm cả mở rộng hợp tác quân sự với các quốc đảo Thái Bình Dương, ví dụ như cuộc tập trận kéo dài trong 11 ngày vừa kết thúc tuần trước mang tên Cartwheel với sự tham gia của Fiji và các nước Mỹ, Anh, Australia, New Zealand.
Mỹ đang làm sâu sắc hơn quan hệ với khu vực quốc đảo Thái Bình Dương với các cam kết mở rộng sang “lịch sử, giá trị chia sẻ và mối quan hệ giữa người với người”… nhưng rõ ràng hội nghị thượng đỉnh chỉ đạt được các kết quả cụ thể tích cực nếu mang lại cho các nước này những lợi ích lâu dài và thực chất về kinh tế, xã hội khi so sánh với những gì mà Trung Quốc đang thực hiện.
Đối với các quốc đảo Thái Bình Dương, ưu tiên hiện tại là đối phó với biến đổi khí hậu và tác động của dịch bệnh Covid-19 chứ không phải cạnh tranh giữa các siêu cường. Đây là lý do các nước này sẽ giữ khoảng cách với bất kỳ nỗ lực cạnh tranh chiến lược nào của Mỹ trong khu vực.
Vai trò của các quốc đảo trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Nam Thái Bình Dương từ lâu từng là khu vực chiến lược của Mỹ, quốc gia có các vùng lãnh thổ tại những khu vực như Guam và Hiệp ước Liên kết tự do với Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau. Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Chính phủ Mỹ qua các nhiệm kỳ không tập trung nhiều vào Nam Thái Bình Dương, nhưng điều này đã thay đổi khi ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng trong thời gian gần đây.
Mỹ đã liên tục gia tăng can dự với các quốc đảo Thái Bình Dương trong vòng 5 năm qua và các hoạt động tiếp xúc và các chuyến thăm cấp cao của giới chức Mỹ tới khu vực này đã được tăng cường từ đầu năm tới nay. Trong tháng 7 vừa qua, Phó Tổng thống Kamala Harris đã tham dự trực tuyến diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương qua đó công bố kế hoạch tăng cường sự can dự của Mỹ ở khu vực bao gồm việc mở thêm các đại sứ quán, tổ chức Hòa bình quay trở lại khu vực và tăng ngân sách cho Diễn đàn Nghề cá các Quốc đảo Thái Bình Dương.
Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương trong hai ngày 28/09 và 29/09 chính là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ với khu vực được cho là tiêu điểm của cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ và các đối tác. Mục tiêu của hội nghị chính là nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở thông qua các cam kết đầu tư và viện trợ cụ thể được đưa ra tại hội nghị này.
Nhà Trắng dự kiến công bố chiến lược quốc gia đầu tiên đối với các quốc đảo Thái Bình Dương trên cơ sở Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình. Chiến lược này sẽ có thể bao gồm tất cả các cam kết mà Mỹ đưa ra tại Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương vừa qua và trong những tháng tới.
Tăng cường quan hệ đối tác chỉ là bước ban đầu để Mỹ có thể đạt mục tiêu cài đặt lại quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương. Để chiến lược mới của thành công, Mỹ sẽ cần duy trì can dự và hiện diện tại đây trong nhiều năm tới cũng như cần phải đầu tư thời gian và nguồn lực nhằm phát triển các mối quan hệ qua đó có thể thúc đẩy và duy trì ngoại giao tại khu vực Thái Bình Dương, từ đó triển khai thành công chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ của mình./.