Mỹ thúc đẩy Mạng lưới Điểm Xanh 'đối trọng' với Vành đai và Con đường
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng với Nhật Bản và Australia đang muốn 'hồi sinh' một sáng kiến cơ sở hạ tầng nhằm đem lại cho các thị trường mới nổi lựa chọn thay thế Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Sau một thời gian dài bị đình trệ, Mạng lưới Điểm Xanh (Blue Dot Network) - được công bố lần đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trmump – đã chính thức khởi động các cuộc thảo luận ở Paris (Pháp) ngày 7/6. Cuộc họp cùng với việc triển khai nhóm tham vấn điều hành do Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) chủ trì và được Mỹ và Australia cấp ngân sách.
Mạng lưới Điểm Xanh, là sáng kiến nhằm chứng nhận các dự án đáp ứng các tiêu chuẩn như tính minh bạch và tính bền vững, được cho là nhằm khuyến khích lĩnh vực tư nhân đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng ở các thị trường mới nổi. Đây cũng được xem như “đối trọng” với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Tập trung vào chứng nhận thay vì đầu tư trực tiếp
“Mạng lưới Điểm Xanh sẽ là một biểu tượng được thừa nhận trên toàn cầu về các dự án cơ sở hạ tầng bền vững và minh bạch, định hướng thị trường”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố ngày 7/6.
Theo OECD, hơn 150 tổ chức, doanh nghiệp đến từ 96 nước, chiếm khoảng 12.000 tỷ USD tài sản đang được quản lý, đã tham gia cuộc họp ngày 7/6, trong đó có cả các thể chế tài chính tư nhân hàng đầu thế giới như Citi, JP Morgan, cùng lĩnh vực công như Quỹ hưu trí chính phủ Thái Lan.
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation nói rằng, Australia, Nhật Bản và Mỹ “không có khả năng bắt kịp Sáng kiến Vành dai và Con đường (BRI) hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc” và đây cũng là lý do Sáng kiến Điểm Xanh tập trung vào việc chứng nhận và tư vấn thay vì cấp vốn trực tiếp.
Theo ông Grossman, Mạng lưới Điểm Xanh này “khó có thể cạnh tranh một cách hiệu quả với Trung Quốc, và thành thực mà nói, nó không chỉ không gây ấn tượng mà còn khá nhỏ trong mắt các bên đã tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường”.
Tuy nhiên, Matthew Goodman và Daniel Runde, hai chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở (CISS) ở Washington, cho rằng, Mỹ đã tập hợp được nguồn lực và sức mạnh, trong đó có các quỹ bảo hiểm và hưu trí hàng nghìn tỷ USD để tìm kiếm các khoản doanh thu dài hạn mà đầu tư cơ sở hạ tầng có thể đem lại.
Mạng lưới Điểm Xanh có thể “cung cấp chứng nhận tiêu chuẩn cao nhằm đem lại cho các nhà đầu tư sự tin tưởng và một bước gần hơn tới các cơ sở hạ tầng quan trọng”.
Đối trọng với Vành đai và Con đường?
Mạng lưới Điểm Xanh được công bố lần đầu tiên năm 2019 giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở Bangkok (Thái Lan).
Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại Mỹ thời điểm đó, đã gọi sáng kiến này là “một cách tiếp cận đa phương nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững bằng cách đẩy mạnh sở trường trong phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời đem lại lựa chọn thay thế các khoản vay kiểu trục lợi”.
Matthew Pottinger, phó cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Trump, đồng thời là một trong các kiến trúc sư chính trong chính sách của Mỹ về Trung Quốc, nói rằng, việc có một “điểm xanh” - một biểu tượng của hành tinh Trái Đất – sẽ “giống như nhận được một ngôi sao Michelin bình chọn cho nhà hàng của bạn”.
“Nếu dự án nhận được chứng nhận như vậy, các nhà đầu tư tư nhân sẽ muốn tham gia vào các dự án đó... Vì vậy, sáng kiến này được thiết kế để loại bỏ một số cách tiếp cận kiểu trục lợi đối với đầu tư cơ sở hạ tầng vốn đe dọa đến sự thịnh vượng của chúng ta”, ông Pottinger, người chỉ trích mạnh mẽ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, phát biểu tại Đối thoại Raisina ở Ấn Độ năm 2020.
Mỹ cũng rất muốn đưa Ấn Độ - thành viên còn lại trong Bộ tứ Kim cương (QUAD) chưa tham gia vào Mạng lưới điểm Xanh - vào cuộc. New Delhi vốn được xem như một nước phản đối sự thúc đẩy cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, đã từ chối tham gia Diễn đàn Vành đai và Con đường trong cả năm 2017 và 2019.
Sáng kiến Điểm Xanh sẽ sử dụng các quy tắc phát triển cơ sở hạ tầng do G20 và G7 đặt ra như một nền tảng cho các tiêu chuẩn, còn OECD sẽ cung cấp đầu vào kỹ thuật và hoạt động cho quy trình chứng nhận toàn cầu và khuôn khổ đánh giá.
Hai chuyên gia Goodman và Runde tại CSIS cho rằng quy trình chứng nhận như vậy sẽ khá tốn kém vì “nó phải đủ nghiêm ngặt để thuyết phục các nhà đầu tư khu vực tư nhân bỏ tiền của họ vào những nơi rủi ro hơn”.
Ngoài ra, quá trình này có thể sẽ phải mất tới vài năm. Việc tạo ra một bộ tiêu chuẩn như vậy sẽ phải có sự tham gia của các bên liên quan, từ các nhà xây dựng tới các nhà tài chính, đòi hỏi các cuộc thảo luận và đàm phán chuyên sâu./.