Mỹ thúc đồng minh tăng ngân sách quốc phòng đối phó Trung Quốc
Mỹ đang thúc giục các đồng minh tăng ngân sách quốc phòng lên ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhằm đương đầu với Trung Quốc.
Tờ Nikkei Asian Review (Nhật) ngày 18-9 đưa tin Mỹ đang thúc giục các đồng minh tăng ngân sách quốc phòng lên ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để chống lại Trung Quốc, kêu gọi Nhật đóng vai trò quân sự quyết đoán hơn trong khu vực.
"Đối với các đồng minh và đối tác của chúng tôi trên toàn thế giới, chúng tôi kêu gọi các bạn tăng ngân sách quốc phòng lên ít nhất 2% GDP và thực hiện các khoản đầu tư cần thiết để cải thiện khả năng và năng lực, giống như chúng tôi đang làm với các lực lượng vũ trang của mình để đạt được các mục tiêu chung” - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper phát biểu tại hội thảo do tổ chức RAND Corporation (Mỹ) tổ chức hôm 16-9.
Ông Esper trích dẫn "sự hung hăng và coi thường các cam kết của Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông" nằm trong số "những nỗ lực nhằm định hình lại và phá hoại trật tự quốc tế - vốn mang lại lợi ích cho các quốc gia lớn và nhỏ".
Ông Esper kêu gọi đồng minh Nhật tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng, cũng như chia sẻ nhiều hơn gánh nặng trong việc đảm bảo an ninh chung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực tiếp tục gia tăng.
Nhật đã phê duyệt mức chi tiêu quốc phòng năm tài chính 2020 là 50,5 tỉ USD, mức cao kỷ lục song vẫn chỉ đạt 0,9% GDP của nước này.
Mặc dù ý thức được thách thức an ninh từ các nước láng giềng Hàn Quốc và Trung Quốc, song Nhật vẫn thận trọng trong việc tăng ngân sách quốc phòng, duy trì mức dưới 1% GDP theo cách tiếp cận được gọi là tối giản đối với an ninh.
Trước đó, Trung Quốc hồi tháng 5 đã công bố dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2020 là 187 tỉ USD. Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington, chi tiêu quân sự của Trung Quốc dao động khoảng 2% GDP kể từ năm 2000.
Trong năm qua, Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động gần quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Trung Quốc cũng phủ nhận các hành động bành trướng của nước này trên biển.
"Mỹ cần tiếp tục làm việc với Nhật để đưa Tokyo vượt ra khỏi vùng an toàn, đảm nhận các vai trò an ninh lớn hơn với việc tăng chi tiêu quốc phòng, tham gia tích cực hơn vào các hoạt động quân sự” – ông Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Bắc Á tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Quỹ Di sản có trụ sở tại Washington, cho biết.
Năm 2019, Mỹ đã yêu cầu Nhật thanh toán gấp bốn lần cho sự hiện diện quân sự liên tục của Mỹ tại nước này.