Mỹ tiếp tục có động thái tăng cường an ninh ở các căn cứ tại khu vực Trung Đông khi đã điều động hàng loạt hệ thống phòng không, trong đó có cả THAAD - hệ thống phòng không được đánh giá là mạnh nhất thế giới.
"Sau cuộc thảo luận chi tiết với Tổng thống Joe Biden về tình hình leo thang do Iran và các lực lượng ủy nhiệm tiến hành ở Trung Đông gần đây, tôi đã chỉ đạo thực hiện hàng loạt biện pháp bổ sung để củng cố trạng thái sẵn sàng của quân đội Mỹ tại khu vực", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết hôm 22/10.
Bộ trưởng Austin lệnh cho nhiều đơn vị quân đội chuyển sang trạng thái sẵn sàng triển khai, nhưng không tiết lộ con số và thành phần cụ thể.
Lầu Năm Góc cùng ngày thông báo điều động một hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và nhiều tiểu đoàn phòng không Patriot đến Trung Đông.
"Những biện pháp này sẽ tăng cường nỗ lực răn đe tại khu vực, mở rộng khả năng bảo vệ lực lượng Mỹ và hỗ trợ hoạt động phòng thủ của Israel", Bộ trưởng Austin cho hay.
Chính quyền Tổng thống Biden hồi năm 2021 rút nhiều hệ thống phòng không khỏi Trung Đông do căng thẳng với Iran hạ nhiệt.
Tuy nhiên những biến động tại Trung Đông buộc Washington phải tái triển khai các tổ hợp phòng không này.
Mỹ đang tăng cường cảnh giác với những nhóm dân quân thân Iran tại Trung Đông, giữa lúc căng thẳng khu vực leo thang do xung đột Israel - Hamas.
Các căn cứ Mỹ tại Iraq đã hứng chịu nhiều vụ tấn công bằng rocket và máy bay không người lái (UAV) tự sát những ngày qua, gây hư hại khí tài và làm một số lính Mỹ bị thương, nghi chấn động não.
Với cơ chế tiêu diệt mục tiêu kiểu "hit to kill", THAAD được đánh giá là hệ thống đánh chặn có độ chính xác nhất hiện nay.
Phương thức tiêu diệt mục tiêu độc đáo này làm cho THAAD trở thành sát thủ của mọi mục tiêu bay khi rơi vào tầm bắn của nó.
Mặt khác do sử dụng động năng thay vì đầu đạn nổ cũng đã làm giảm đáng kể trọng lượng và kích thước quả đạn, giúp cho hệ thống này có thể mang nhiều đạn hơn những hệ thống cùng loại.
Mỗi xe phóng mang theo 8 đạn tên lửa nhiều gấp đôi số đạn mang theo trên xe phóng của hệ thống Patriot lẫn S-300, S-400 và nhiều gấp 4 lần so với S-500.
THAAD có thể phóng nhiều đạn tên lửa cùng lúc tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa.
Một hệ thống THAAD có thể mang đồng thời 32 đạn tên lửa và có thể bắn loạt 16 tên lửa để tiêu diệt các mục tiêu cùng một lúc.
Đầu tiên, một tên lửa mục tiêu sẽ được phóng đi từ một vị trí nằm khá xa, tiếp đến radar AN/TPY-2 sẽ theo dõi và tính toán quỹ đạo bay của tên lửa mục tiêu.
Thông tin từ radar AN/TPY-2 sẽ gửi đến trung tâm điều khiển để xử lý và chuyển tiếp cho hệ thống kiểm soát bắn.
Một radar AN/TPY-2 thứ 2 sẽ làm nhiệm vụ điều khiển hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đánh chặn mục tiêu.
Quá trình từ lúc phát hiện mục tiêu đến khi phóng tên lửa đánh chặn chỉ mất khoảng 5 phút.
THAAD có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo trong phạm vi khoảng 250-300km với độ chính xác cực cao.
Mỹ đang phát triển thêm các loại đạn mới có tầm diệt mục tiêu từ khoảng cách lên tới 450 km
THAAD được thiết kế vào năm 1987 và chính thức đi vào biên chế năm 2008.
THAAD hiện là nòng cốt trong lưới lửa phòng không tầm xa của Mỹ.
Đạn tên lửa chỉ nặng 900 kg và có chiều dài 6,1 m, đường kính 34 cm.
Giá bán của một hệ thống THAAD cho đối tác nước ngoài là 885,6 triệu USD, chưa tính phí lắp đặt, huấn luyện, bảo trì và hạ tầng hỗ trợ.
Tuy mang một cái giá đắt đỏ nhưng nhiều nước vẫn mong muốn sở hữu hệ thống này, Mỹ thì vẫn lắc đầu từ chối bán.
Hiện ngoài Mỹ thì hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD còn được biên chế cho Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất.
Trong khi đó, THAAD cũng đã được quân đội Mỹ triển khai tại một số địa điểm trên thế giới, bao gồm Hàn Quốc, đảo Guam và Israel.
Hệ thống THAAD đã được chứng minh tính hiệu quả trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo thông qua các cuộc thử nghiệm gắt gao và diễn ra hàng năm của quân đội Mỹ.