Mỹ triển khai lại lực lượng từ Afghanistan đến gần biên giới của Nga
Tờ Wall Street Journal đưa tin, Mỹ có thể sẽ tái triển khai quân đội và thiết bị từ Afghanistan sang Uzbekistan hoặc Tajikistan, hai trong số ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Quân đội Mỹ tại căn cứ không quân ở Uzbekistan. Ảnh: Sputnik
Bài liên quan
Mỹ và NATO bắt đầu rút quân khỏi một số căn cứ ở Afghanistan
Không đảm bảo an ninh của Afghanistan sau khi Mỹ rút quân
Na Uy, Đan Mạch rút quân khỏi Afghanistan trong bối cảnh 'đáng thất vọng'
Rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ muốn xoay trục từ chống khủng bố sang Trung Quốc và Nga
Mỹ và NATO bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan vào ngày 1/5, khi tình hình an ninh ở nước này hiện khá hơn một chút so với sau cuộc xâm lược năm 2001. Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong tuyên bố rút quân hồi tháng 4, đã kêu gọi Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đẩy mạnh "hỗ trợ Afghanistan" sau khi Mỹ rời đi.
Tuy nhiên, các nguồn tin của tờ WSJ thừa nhận rằng sự hiện diện quân sự của Nga trong khu vực và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc “làm phức tạp thêm kế hoạch” cho bất kỳ hoạt động triển khai nào của Mỹ ở Trung Á.
Tajikistan là thành viên chính thức của liên minh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga lãnh đạo và Uzbekistan đã đình chỉ tư cách thành viên của liên minh này vào năm 2012 nhưng vẫn tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế và an ninh chặt chẽ với Moscow, bao gồm cả tư cách quan sát viên trong Khu vực Kinh tế Á-Âu và trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan Zalamay Khalilzad đã đến thăm cả Tajikistan và Uzbekistan vào tuần trước, và được cho là đã thảo luận về sự cần thiết phải ngăn chặn bạo lực xảy ra ở Afghanistan trước khi Mỹ và các đồng minh hoàn tất việc rút quân trước hạn chót vào ngày 11/9.
Washington bắt đầu làm việc để thúc đẩy quan hệ an ninh với Tajikistan và Uzbekistan vào những năm 90 sau khi Liên Xô tan rã, triển khai một thời gian ngắn quân đội tại một sân bay ở Kulob, Tajikistan vào năm 2001, và luân chuyển khoảng 7.000 lính Mỹ tại sân bay Karshi-Khanabad ở phía nam Uzbekistan từ năm 2001 đến 2005. Chính phủ Uzbekistan đã buộc các lực lượng Mỹ rời đi sau cuộc bất ổn dân sự năm 2005 mà nước này đổ lỗi cho 'các tổ chức phi chính phủ' được Mỹ bảo trợ và hậu thuẫn.
Năm ngoái, truyền thông Mỹ đưa tin rằng căn cứ đóng quân của quân đội Mỹ vào đầu năm 2000 có mức độ ô nhiễm WMD cao hơn bình thường từ 7 đến 9 lần sau khi các cựu quân nhân từng phục vụ tại đây báo cáo về một loạt bệnh ung thư hiếm gặp và các bệnh không rõ nguyên nhân khác.
Mỹ cũng có một cơ sở quân sự lớn tại Căn cứ Không quân Manas ở Kyrgyzstan từ năm 2001 đến năm 2014, và sử dụng nơi này để đưa đón quân đội trong và ngoài Afghanistan. Chính quyền Kyrgyzstan đã nhiều lần tìm cách đóng cửa căn cứ và Tổng thống khi đó là Almazbek Atambayev đã hứa sẽ đóng cửa căn cứ vào cuối năm 2014.
Giống như Tajikistan, Kyrgyzstan là liên minh với Nga trong CSTO. Tháng trước, hai quốc gia Trung Á đã trải qua một cuộc đụng độ biên giới khiến ít nhất 56 người thiệt mạng và hơn 40.000 dân thường phải sơ tán. Xung đột đã bị đóng băng vào ngày 3/5 sau khi cả hai nước đồng ý rút quân khỏi biên giới. Nga đề nghị hòa giải bất đồng.
Các quan chức Mỹ cho biết ngoài Trung Á, quân đội Mỹ có thể được tái triển khai tới một hoặc nhiều cơ sở ở Vịnh Ba Tư. Căn cứ lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông được đặt tại Doha, Qatar, với hơn một chục cơ sở khác ở các quốc gia trải dài từ Kuwait đến Oman. Ngoài ra, Mỹ có thể bố trí một trong các nhóm tấn công tàu sân bay của họ gần Afghanistan, mặc dù Hải quân và các quan chức khác cho biết điều này khó xảy ra.