Mỹ triển khai tàu ngầm tên lửa dẫn đường tới Trung Đông

Hải quân Mỹ đã triển khai một tàu ngầm tên lửa dẫn đường có khả năng mang tới 154 tên lửa Tomahawk tới Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng với Iran gia tăng, theo phát ngôn viên Hải quân Mỹ cho biết hôm thứ Bảy (8/4)

Hải quân Mỹ đã xác nhận thông tin về vị trí và việc triển khai tàu ngầm. Tuy nhiên, Timothy Hawkins, phát ngôn viên của Hạm đội 5 có trụ sở tại Bahrain, từ chối bình luận về nhiệm vụ của tàu ngầm hoặc điều gì đã thúc đẩy việc triển khai.

 Tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường USS Florida (SSGN 728) của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường USS Florida (SSGN 728) của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Ông cho biết chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, có căn cứ ở Vịnh Kings, Georgia, đã đi qua Kênh đào Suez hôm thứ Sáu. "Nó có khả năng mang tới 154 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk và được triển khai cho Hạm đội 5 của Mỹ để giúp đảm bảo an ninh và ổn định hàng hải trong khu vực", Hawkins nói.

Hạm đội 5 tuần tra Eo biển Hormuz, cửa hẹp của Vịnh Ba Tư, nơi 20% lượng dầu vận chuyển qua đó. Khu vực hoạt động của hạm đội này bao gồm cả Eo biển Bab el-Mandeb ngoài khơi Yemen và Biển Đỏ kéo dài đến Kênh đào Suez - tuyến đường thủy của Ai Cập nối Trung Đông với Biển Địa Trung Hải.

Mỹ, Anh và Israel đã cáo buộc Iran nhắm mục tiêu vào các tàu chở dầu và tàu thương mại trong những năm gần đây, nhưng Tehran bác bỏ cáo buộc này. Hải quân Mỹ cũng đã báo cáo một loạt các cuộc chạm trán căng thẳng trên biển với các lực lượng Iran.

Tháng trước, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích chống lại các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Syria, sau khi một cuộc tấn công bằng tên lửa khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng và làm bị thương 7 người Mỹ khác ở phía đông bắc của Syria.

Tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu chiến hoặc tàu ngầm có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 2.500 km. Chúng nổi tiếng từng được sử dụng để khai màn cuộc tấn công Iraq do Mỹ dẫn đầu năm 2003 và để đáp trả cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của Syria vào năm 2018.

Căng thẳng Mỹ - Iran đã tăng cao kể từ đó. Cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận kiểm soát hạt nhân năm 2015 mà Iran thiết lập với những cường quốc trên thế giới để đổi lại việc nới lỏng các lệnh cấm vận.

Những nỗ lực khôi phục thỏa thuận này của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã vấp phải rào cản vào năm ngoái. Căng thẳng trở nên tồi tệ hơn khi Iran được cho rằng cung cấp máy bay không người lái cho các lực lượng Nga trong cuộc xung đột với Ukraine, cũng như việc Israel và Iran tiếp tục leo thang “cuộc chiến trong bóng tối” đã kéo dài nhiều năm ở Trung Đông.

Bùi Huy (theo AP, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-trien-khai-tau-ngam-ten-lua-dan-duong-toi-trung-dong-post242868.html