Mỹ trưng bày hóa thạch khủng long Archaeopteryx
Chỉ có khoảng một chục hóa thạch Archaeopteryx, một loài khủng long lông vũ, được phát hiện trên thế giới và hầu hết hóa thạch này đều ở châu Âu. Nhưng bắt đầu từ ngày 7/5, hóa thạch Archaeopteryx thứ 13, sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Field ở Chicago, Mỹ.
Mùa xuân này, Bảo tàng Field - bảo tàng lịch sử tự nhiên lớn ở Tây bán cầu, sẽ trở thành một trong số ít nơi trên Trái đất có thể nhìn thấy hóa thạch Archaeopteryx thực sự.
Tiến sĩ Jingmai O'connor, Giám quyền hóa thạch tại Bảo tàng Chicago cho biết Archaaeopteryx được cho là hóa thạch quan trọng nhất từng được phát hiện, nó đã thay đổi cách các nhà khoa học nhìn thế giới bằng cách cung cấp sự hỗ trợ mạnh mẽ cho thuyết tiến hóa của Darwin: "đây là thương vụ mua lại hóa thạch quan trọng nhất của Bảo tàng Field kể từ sau khi mua hóa thạch SUE the T. rex và chúng tôi rất vui mừng khi có thể nghiên cứu về hóa thạch khủng long lông vũ Chicaaeopteryx Chicago và chia sẻ nó với du khách".
Nghiên cứu cho thấy Archaeopteryx có lông vũ, xương rỗng, đôi cánh có móng vuốt, 50 chiếc răng và một cái đuôi dài bằng xương, khiến nó trở thành loài khủng long được biết đến sớm nhất đủ tiêu chuẩn là một loài chim. Các chuyên gia cho biết chim là nhóm khủng long duy nhất sống sót sau đợt tuyệt chủng hàng loạt xảy ra, khi một tiểu hành tinh đâm vào Trái Đất cách đây 66 triệu năm.
Archaeopteryx, chi khủng long có lông vũ từng được cho là loài chim hóa thạch lâu đời nhất được biết đến. Các mẫu vật có niên đại khoảng 150 triệu năm trước, trong Kỷ Jura muộn và tất cả đều được tìm thấy ở mỏ hóa thạch có tên Đá vôi Solnhofen ở Bavaria, Đức, bắt đầu từ năm 1861. Tuy nhiên, những khám phá ở thế kỷ 21 về các hóa thạch giống chim khác có cùng độ tuổi, bao gồm cả hóa thạch khủng long Xiaotingia zhengi từ trầm tích Liêu Ninh ở Trung Quốc, đã khiến một số nhà cổ sinh vật học kêu gọi phân loại lại Archaeopteryx thành khủng long.