Mỹ-Trung chính thức áp thuế mới vào hàng hóa của nhau
Hôm 1-9, Mỹ và Trung Quốc chính thức áp thuế mới vào hàng hóa của nhau, khiến bầu không khí lo ngại bao trùm lên các thị trường chứng khoán châu Á.
Cụ thể, Mỹ áp mức thuế 15% đối với khoảng 125 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bao gồm các mặt hàng như áo quần, giày dép, đồng hồ thông minh và ti vi màn hình phẳng. Trong khi đó, Trung Quốc tăng thuế thêm 5-10% đối với 1.717 sản phẩm của Mỹ bao gồm các mặt hàng như đậu nành, thịt heo, bò, gà, dầu thô...
Đây là lần đầu tiên dầu thô Mỹ bị Trung Quốc áp thuế kể từ khi hai nước lao vào cuộc chiến tranh thương mại cách đây hơn một năm. 1.717 sản phẩm này nằm trong danh sách 5.078 sản phẩm Mỹ bán sang Trung Quốc có trị giá 75 tỉ đô la mỗi năm bị tăng thuế từ 5-10% (những sản phẩm còn lại sẽ bị áp thuế bắt đầu từ ngày 15-12).
Mức thuế mới mà Mỹ áp vào nhiều mặt hàng tiêu dùng Trung Quốc có thể khiến các hộ gia đình Mỹ chịu tổn thất đến 1.000 đô la Mỹ mỗi năm do giá cả hàng hóa tăng.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang lo lắng mức thuế mới sẽ tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của họ. Steve Lamar, Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng may mặc và giày dép Mỹ (AAFA), cho biết: “Thuế mới được triển khai đúng vào mùa bán hàng quan trọng nhất của chúng tôi trong năm. Họ (chính phủ Mỹ) nói thuế mới sẽ gây thiệt hại Trung Quốc nhưng thực tế, chúng tôi đang bị tổn thương. Giá cả tăng cao sẽ khiến doanh số suy giảm và việc làm sẽ mất mát”.
Các mức thuế mới mà Mỹ và Trung Quốc áp vào hàng hóa của nhau, càng làm gia tăng các lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu và đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư.
Tính đến 10 giờ sáng nay, theo giờ Việt Nam, các thị trường chứng khoán ở châu Á tăng giảm đan xen. Chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) giảm hơn 200 điểm, tương đương 0,79% và chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 0,23%. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) và Kospi (Hàn Quốc) lần lượt tăng 0,7% và 0,74%.
Sáng 2-9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ấn định tỷ giá tham chiếu của nhân dân tệ (NDT) ở mức 7,0883 ăn một đô la Mỹ, mức thấp nhất kể từ tháng 3-2008.
Hôm 1-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump dẫn các phát biểu từ nhà kinh tế người Mỹ Peter Morici cho rằng thuế mới sẽ không tác động đến người tiêu dùng Mỹ do nhân dân tệ giảm giá, kéo theo hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm. Ông Trump tiếp tục kêu gọi các công ty Mỹ tìm các nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc.
Ông viết trên Twitter: “Chúng tôi không muốn trở thành người phục vụ của Trung Quốc!. Hãy tái định hướng chuỗi cung ứng. Không có lý do gì để mua mọi thứ từ Trung Quốc!”
Phát biểu với phóng viên sau đó, ông nói rằng đàm phán với Trung Quốc sẽ tiếp tục và các quan chức thương mại hai bên sẽ gặp mặt trực tiếp trong tháng 9 này.
Cùng ngày, truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục lên giọng cứng rắn với Mỹ. Một bài bình luận trên Tân Hoa xã có đoạn: “Mỹ phải học cách hành xử như một cường quốc toàn cầu có trách nhiệm và dừng kiểu cư xử giống như một kẻ bắt nạt ở học đường”.
Nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát đi những tín hiệu suy yếu. Hôm 31-7, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc giảm về mức 49,5 điểm trong tháng 8, thấp hơn mức 49,7 trong tháng 7. Điểm số PMI dưới 50 điểm thể hiện hoạt động sản xuất thu hẹp. Trong tháng 8, lượng đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục suy giảm, kéo dài đà suy giảm sang tháng thứ 15 liên tiếp.
Hôm 1-9, Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế bao gồm đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển khu vực, trong khi đó, duy trì chính sách tiền tệ thận trọng.
Theo Reuters
Chánh Tài