Mỹ - Trung đạt thỏa thuận giai đoạn 1: Đúng đắn hay chóng vánh?

Thông tin Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đang gặp phải phản ứng trái chiều từ giới chuyên gia.

Mỹ, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận một phần. (Nguồn: CGTN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/12 đã thông qua một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Động thái này làm dấy lên hy vọng về khả năng đình chiến thương mại trong cuộc xung đột kéo dài 21 tháng qua. Các nhà đàm phán vẫn đang thảo luận chi tiết về câu chữ trong thỏa thuận. Dù vậy, quy mô thỏa thuận có thể sẽ nhỏ hơn so với công bố của ông Trump hồi tháng 10.

Bước đột phá mang tính lịch sử

Chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Hudson Michael Pillsbury đã tiết lộ với trang Washington Post rằng, tại một cuộc họp ở Nhà Trắng cùng các cố vấn thương mại hàng đầu của mình, Tổng thống Trump đã ký thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc. Hãng tin Reuters nhận định, bước đi này giúp giảm thiểu căng thẳng khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vướng vào một cuộc chiến thương mại kéo dài.

Theo đó, Mỹ sẽ cắt giảm một số biện pháp thuế quan dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/12 tới, đổi lại, Trung Quốc sẽ chi 50 tỷ USD để mua hàng nông sản Mỹ, thắt chặt các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của mình. Ông Pillsbury nhận định: “Đó là một bước đột phá, mang tính lịch sử”.

Thỏa thuận giới hạn này đã khép lại quá trình đàm phán đầy gập ghềnh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giới ngoại giao của cả Mỹ và Trung Quốc đã nỗ lực làm vô hiệu hóa thời hạn chót 15/12, khi các đòn thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD có hiệu lực.

Cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài gần hai năm. Đến nay, Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 25% với khoảng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và 15% với 110 tỷ USD hàng hóa khác của nước này. Cuộc chiến đã kéo tụt tăng trưởng toàn cầu, cũng như lợi nhuận và đầu tư của các doanh nghiệp. Mỹ cũng phải trợ cấp 28 tỷ USD cho các nông dân bị ảnh hưởng.

Khi đạt được thỏa thuận này, chính quyền Tổng thống Trump sẽ không gia tăng mức thuế mới, đồng thời cắt giảm mức thuế hiện hành đánh vào hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 360 tỷ USD. Thỏa thuận giai đoạn 1 cũng bao gồm các điều khoản trừng phạt chính phủ Trung Quốc nếu nước này không thực hiện được những đơn nhập hàng nông sản của Mỹ theo yêu cầu.

Tuy nhiên, những vấn đề gai góc nhất trong tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đã được để lại cho những vòng đàm phán tiếp theo, dự kiến diễn ra vào năm 2020. Cụ thể, vấn đề trợ cấp nhà nước cho các doanh nghiệp nhà nước và chính sách cưỡng ép các công ty nước ngoài chuyển giao bí mật công nghệ để được tiếp cận thị trường Trung Quốc sẽ là vấn đề thảo luận của các cuộc đàm phán giai đoạn 2. Ông Pillsbury cũng tiết lộ rằng, ông chủ Nhà Trắng dự định cuộc đàm phán giai đoạn 2 sẽ tiếp diễn sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020.

Một quan chức Mỹ giấu tên nhận định: “Thực ra thỏa thuận đã được hoàn tất. Giờ chỉ còn tìm cách thực hiện thỏa thuận này và tìm cách để Trung Quốc ký thỏa thuận”.

Phản ứng trái chiều

Đối với Tổng thống Trump, thỏa thuận với Trung Quốc là một phần của những diễn biến bất ngờ trong quá trình hoạch định chính sách đối với giới chức ở Washington trong tuần qua.

Cố vấn của ông chủ Nhà Trắng về chính sách kinh tế Stephen Moore bình luận: “Thỏa thuận mang tính biểu tượng: Ở góc độ nào đó, tuần này trở thành tuần tốt đẹp nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump, nhất là khi nó diễn ra vào thời điểm cuộc luận tội đang đạt đến đỉnh điểm”.

Giới chức chính quyền Mỹ cho rằng, ông Trump có thể được hưởng lợi ích chính trị từ việc thông qua thỏa thuận với Trung Quốc. Tổng thống Trump có thể ghi điểm trong mắt nông dân và doanh nhân Mỹ - những người vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung Craig Allen bình luận: “Đây là tin tốt lành. Nó giúp ngăn chặn căng thẳng trong quan hệ song phương”. Còn theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant, thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ có lợi cho nông dân và nhà sản xuất của Mỹ. “Đây là bước đi quan trọng, song chỉ là bước đi đầu tiên. Vẫn còn nhiều việc phải làm”, ông nói.

Tuy nhiên, quyết định này được đưa ra khi Tổng thống Trump đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: Liệu có nên tiếp tục đặt cược vào việc leo thang căng thẳng với Trung Quốc và áp thuế nhập khẩu, hay nghe theo lời khuyên của các cố vấn và lãnh đạo doanh nghiệp rằng, đình chiến sẽ kéo kinh tế Mỹ đi lên trong năm bầu cử 2020. Vì vậy, thông tin về thỏa thuận đã nhận về nhiều chỉ trích.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, thành viên của Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện cảnh báo, việc dàn xếp quá chóng vánh với Trung Quốc. Ông Rubio cho rằng, điều này có nguy cơ khiến Mỹ mất đi lợi thế về thuế quan vốn cần thiết để giúp Washington đạt được một thỏa thuận quy mô rộng lớn hơn, bao gồm các vấn đề quan trọng hơn cả như trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước…

Cùng quan điểm với Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Derek Scissors, một nhân vật có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định, Tổng thống Trump đã quá vội vàng đi đến thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc. Báo Economic Times của Ấn Độ ngày 13/12 cũng dẫn lời các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng, thỏa thuận này sẽ gây khó khăn trong việc phía Mỹ đạt được những nhượng bộ từ phía Trung Quốc về những yêu cầu thay đổi cấu trúc.

Thế Việt

(theo Washington Post, Economic Times, Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-trung-dat-thoa-thuan-giai-doan-1-dung-dan-hay-chong-vanh-106120.html